MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ đang khám cho bệnh nhân bị xơ gan.

Gan dễ bị tấn công bởi nhiều loại tác nhân truyền nhiễm

PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu (Phó Giám đốc BV Nguyễn Trãi TP.HCM) LDO | 22/08/2016 07:24
Gan là cơ quan quan trọng của cơ thể dễ bị tấn công bởi nhiều loại tác nhân truyền nhiễm, nhất là ở vùng nhiệt đới. Một số bệnh lý gan như viêm gan siêu vi (B, C) mạn tính, áp xe gan do ký sinh trùng. Vi trùng là căn nguyên quan trọng gây nhiễm bệnh và tử vong ở các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.

Nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý gan

Hàng năm, trên thế giới có hàng chục triệu người mắc bệnh gan mật các loại, cần nhập viện điều trị. Gan là cơ quan thiết yếu của con người để chống nhiễm trùng, thải loại độc tố khỏi cơ thể, kiểm soát mức độ mỡ trong máu, tạo ra các yếu tố đông máu, bài tiết ra mật giúp cho quá trình tiêu hóa mỡ và hỗ trợ tiêu hóa chung.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý gan, có thể chia ra làm các nguyên nhân chính như: Bệnh gan do rượu: Tế bào gan bị phá hủy sau nhiều năm uống rượu, dẫn đến xơ gan; Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (do mỡ xâm lấn vào tế bào gan, thường xảy ra ở những người béo phì, thừa cân); Bệnh viêm gan siêu vi: Gan bị tổn thương do vi rút viêm gan gây ra như vi rút viêm gan A, B, C; Bệnh áp xe gan do ký sinh trùng; Bệnh gan do lắng đọng chất sắt: Đây là bệnh di truyền, sắt lắng đọng xung quanh tế bào gan; Bệnh viêm gan tự miễn; Xơ gan ứ mật nguyên phát: Đây là bệnh hiếm gặp hơn, tình trạng ứ mật lâu dài sẽ phá hủy đường dẫn mật trong gan, gây ra xơ gan; Bệnh Wilson, bệnh nhiễm độc oxalate…; Bệnh ung thư gan, ung thư đường dẫn mật.

Khi gan bị mất bù trừ (có nghĩa là phần tế bào gan khỏe mạnh không còn bù đắp được chức năng cho phần gan bị tổn thương, thường là do gan bị hủy hoại lan rộng và phần tế bào gan khỏe mạnh còn lại rất ít, không đảm đương nổi hoạt động lọc, thải), bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như: Vàng da, vàng mắt; bụng to và đau; sưng phù chân và mắt cá chân; ngứa da, nước tiểu sậm màu, phân màu nhạt, có máu hoặc có màu đen sậm, mỏi mệt kéo dài, nôn, buồn nôn; ăn uống mất ngon miệng, chán ăn; dễ bị bầm da khi va chạm. Khi có một hay vài dấu hiệu lâm sàng trên, người bệnh nên đi khám ngay để được kiểm tra toàn diện chức năng gan và có hướng điều trị kịp thời, giảm thiểu nguy cơ tử vong.

Các xét nghiệm kiểm tra chức năng gan

Nhóm xét nghiệm máu: Công thức máu, mật: Bilirubin toàn phần, trực tiếp, gián tiếp; Men gan: SGOT, SGPT, GGT; Mỡ máu: Cholesterol toàn phần, LDL, HDL; Chức năng thận: Bun, Creatinin; Nhóm xét nghiệm tầm soát viêm gan siêu vi A, B, C; Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán bệnh nhiễm sán lá gan và xét nghiệm tầm soát ung thư gan: AFP.

Nhóm xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm bụng tổng quát, khảo sát nhu mô gan, đường dẫn mật trong gan; CT Scan gan, MRI gan để khảo sát khối u, xơ, áp xe, hoại tử...; FibroScan gan để khảo sát mức độ xơ gan.

Nhóm xét nghiệm tế bào học: Sinh thiết tế bào gan để làm giải phẫu bệnh lý, chẩn đoán tình trạng bất thường của tế bào gan, ung thư gan, xơ gan...

Để phòng tránh các bệnh gan, mỗi người nên tránh các thói quen gây nguy cơ dễ mắc bệnh như sau: Uống nhiều rượu bia; tránh dùng chung kim tiêm, tránh quan hệ tình dục không an toàn (phải dùng bao cao su), tránh tiếp xúc trực tiếp với máu người bệnh để không bị lây nhiễm vi rút viêm gan B, C; tiêm vắc xin ngừa bệnh viêm gan siêu vi B; tránh sử dụng thuốc bừa bãi, lạm dụng một số loại thuốc vì có thể gây tổn thương tế bào gan; mang găng tay, khẩu trang khi sử dụng các loại thuốc dạng xịt (spray) như hóa chất diệt côn trùng, diệt nấm mốc, các loại sơn dạng xịt... vì các hóa chất này có thể ngấm qua đường hô hấp vào máu, gây độc gan...; duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn