MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giọt nước mắt của những người mẹ có con tự kỷ

Bạch Dương LDO | 17/10/2016 12:00
Chỉ nghĩ là con nghịch ngợm, hiếu động, chậm nói, nhiều bà mẹ đã nuốt nước mắt vì phát hiện con bị tự kỷ khi đã lớn. Nỗi lo đau đáu của những người mẹ này là tương lai nào cho những đứa trẻ tự kỷ như con họ?

“Con của mình nên không thể bỏ được”

Luôn tìm cách giằng ra khỏi vòng tay của mẹ, cậu bé Nguyễn Thanh Tạo (5 tuổi) không ngừng phát ra những âm thanh khó hiểu. Để con ngồi yên, mẹ cậu bé đưa cho con chai nước suối, ngay lập tức, cậu bé uống liên tục không nghỉ cho đến lúc ói ra nước ngay tại chỗ.

Vừa ôm con vừa lau dọn, chị Dương Thị Kim Hồng chia sẻ: “Nhà tôi ở tận Đồng Nai, bé Tạo là con đầu lòng. Sinh ra bé cũng bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng đến 2 tuổi, rồi 3 tuổi bé vẫn không biết nói, nghịch không cách nào chịu thấu. Lúc đầu tôi cũng nghĩ bé chậm nói và hiếu động thôi, sau được người quen gợi ý đưa bé đi khám, đến lúc đó tôi mới biết con mình bị tự kỷ dạng tăng động giảm chú ý”. Vợ chồng chị Hồng phải khăn gói lên TPHCM thuê nhà trọ, tìm việc làm để có điều kiện chạy chữa cho con và xin cho con vào học một trường chuyên biệt của thành phố.

Với nụ cười lúc nào cũng sáng bừng cả khuôn mặt xinh xắn, mới nhìn thoáng qua, không ai nghĩ bé Nguyễn Phương Linh bị tự kỷ. Chị Mã Kim Liên (nhà ở quận Tân Phú, TPHCM), mẹ của bé Linh tâm sự: “Lúc bé gần 3 tuổi mà vẫn không biết nói, gọi tên cũng không có phản ứng, đồng thời thấy bé phát triển không giống như những đứa trẻ khác. Nhất là những khi bé không đạt được cái mình muốn thì bé ăn vạ theo kiểu đập đầu xuống đất hoặc tự chạy xe va vào tường mạnh đến nỗi văng cả người ra ngoài. Bé luôn tự làm cho mình thật đau khiến cả nhà đều rất sợ. Thấy vậy, tôi lên mạng tìm hiểu và đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Bác sĩ nói con tôi bị rối loạn phát triển lan tỏa, một dạng khác của bệnh tự kỷ, tôi đã rất buồn và sốc, mặc dù đã chuẩn bị trước tâm lý vì biết bệnh này không thể chữa hết được”.

Chị Liên chia sẻ: “Buồn là vậy nhưng nhìn con mình xinh xắn thế kia, là máu thịt của mình sinh ra nên không thể bỏ được”.

Không mong con thành kỹ sư hay bác sĩ

Đồng hành cùng con trên con đường chữa bệnh, chị Dương Thị Kim Hồng không giấu được giọt nước mắt cay đắng: “Tôi không ngại khó, không ngại khổ cùng con, nhưng đi ra ngoài, nhiều người không biết thấy con mình nghịch ngợm, họ la mắng, thậm chí đánh thằng bé. Không biết bao nhiêu lần tôi phải đi xin lỗi người ta, người nào thông cảm thì họ bỏ qua, có người còn mắng vốn cả mẹ lẫn con. Con mình thì mình thương, nhưng tôi lo nhất là không biết tương lai của cháu sẽ như thế nào”.

Không giấu bệnh tình của con, chị Mã Kim Liên tâm sự: “Hàng xóm nhiều lúc than phiền: Sao tao gọi con nhỏ nhà mày mà nó không thưa, hỏi nó không thèm nhìn? Tôi nói ngay: Con con bị bệnh mà, con con bị tự kỷ. Tôi nghĩ không việc gì phải giấu bệnh của con mình vì nếu giấu, giả vờ, đến lúc bị phát hiện thì còn xấu hổ hơn. Mình sống vì con mình chứ không phải sống vì người khác. Tôi không quan tâm người ta thương hại hay nghĩ gì đó về con mình mà chỉ quan tâm xem phải chăm sóc con như thế nào, con mình phát triển ra sao mà thôi”.

Liên tục đưa con ra ngoài đi chơi, bên con mọi lúc mọi nơi, chị Liên cho biết: “Tôi được bác sĩ tư vấn: Có buồn cũng không giải quyết được vấn đề gì, mà phải quyết tâm cùng con chiến đấu. Tôi đến lớp học cùng con, học cách giao tiếp, nói chuyện với con, hướng dẫn con tránh bị tổn thương”. Chị khoe, sau gần 3 năm đi học, đến nay bé Linh đã biết giới thiệu tên, biết làm một số việc nhỏ khi bị sai vặt.

Tâm sự về tương lai của con mình, chị Liên chia sẻ: “Tôi không dám nghĩ về tương lai xa, không mong con sẽ thành kỹ sư, bác sĩ, chỉ mong con phát triển tốt về bản thân, biết tự chăm sóc mình, cố gắng hòa nhập cộng đồng, như vậy là yên tâm rồi”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn