MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Đào Phương Thanh trong một buổi tuyên truyền sử dụng bao cao su đúng cách đối với người nhiễm HIV.

Giọt nước mắt của những người sống chung với HIV

Bạch Dương LDO | 01/12/2016 10:36
Âm thầm, lặng lẽ không mệt mỏi, những người mang trong mình “căn bệnh thế kỷ” hay sống chung với HIV vẫn đang ngày ngày chung sức với mong ước đẩy lùi HIV/AIDS ra khỏi Việt Nam. Và những công sức đó của họ đã được vinh danh.

“Đã có lúc muốn chết”

Chị Đào Phương Thanh (Hà Nội) là một trong số ít người đầu tiên công khai mình có HIV. Đã từng nghĩ “chết còn sướng hơn”, nhưng rồi chị tự đứng dậy, không chỉ tự cứu mình mà còn lập ra nhóm Hoa Sữa, giúp đỡ hàng trăm người “có H”.
Sinh năm 1968 tại phố Quốc Tử Giám (Hà Nội), lấy chồng chưa được bao lâu, khi chị đang mang trong bụng cô con gái đầu lòng thì chồng chị mất trong một vụ tai nạn tàu biển. Rồi những tháng ngày đen tối tiếp tục đeo bám chị khi cậu em trai nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS.
Bỏ công việc ở Hải Phòng, chị về Hà Nội chăm sóc em trai. Năm 2004, trong một lần chăm sóc em trai, chị vô tình bị kim tiêm đâm vào tay. Mũi kim oan nghiệt đó đã gây cho chị nỗi bàng hoàng khi ba tháng sau chị nhận được kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Năm đó, chị phải đón 3 cái tang: Mẹ mất, bố mất rồi em trai cũng mất sau bố chị chỉ 10 ngày.
Đó là quãng thời gian chị Thanh suy sụp, tưởng chừng không thể gượng dậy. Chị không ăn, không uống, không dám bật đèn vì sợ ánh sáng. Chị gầy đi, xanh xao và chỉ nghĩ đến cái chết. Thế nhưng, chính cô con gái nhỏ đã giúp chị có thêm động lực để sống, chị kể: “Lúc ấy chỉ nghĩ mình chết đi là sướng nhất. Nhưng chết đi thì con gái và hai đứa cháu nhỏ ai nuôi ăn học. Thế nên tôi phải tự mình vực mình dậy”.
Sau đó, chị Thanh quyết định công khai tình trạng nhiễm HIV. Chị cho rằng, nếu công khai chị sẽ có nhiều cơ hội để đến với những người có cùng cảnh ngộ, giúp đỡ để họ có niềm tin và sống tốt hơn.
Tưởng rằng sẽ bị người đời hắt hủi, xa lánh, nhưng chị Thanh may mắn đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của bà con trong khu phố. Điều đó đã làm chị rất vui và càng thôi thúc chị có thêm nghị lực sống để làm những điều có ích hơn nữa.
Cũng từ đó, chị Thanh tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động xã hội, tuyên truyền kiến thức về cách phòng tránh, điều trị HIV cho những người cùng cảnh ngộ. Nhiều tổ chức đã mời chị tham gia, chia sẻ kiến thức về HIV/AIDS cho cộng đồng và thực hiện những dự án phòng tránh HIV/AIDS.
Với mong muốn có thêm nhiều người giúp đỡ đối tượng nhiễm HIV/AIDS chị Thanh lập nhóm tự lực Hoa Sữa với 6 thành viên ban đầu đều là người “có H”. Hiện nay, nhóm có 54 thành viên với nhiều công việc thiện nguyện: nấu cháo miễn phí cho người nhiễm HIV đang điều trị trong bệnh viện Đống Đa; tuyên truyền cho người nhà, cộng đồng về kiến thức phòng chống HIV/AIDS và dọn bơm kim tiêm ở các địa điểm công cộng trong phường…
Chị Thanh tâm sự: “Tôi thấy sự chung tay góp sức của cộng đồng rất quan trọng và đặc biệt là cộng đồng những người sống chung với HIV/AIDS, bởi họ là người dễ dàng tiếp cận với người nguy cơ cao. Họ có thể sẻ chia để đưa những người có nguy cơ cao đến với các dịch vụ khám chữa bệnh tự nguyện, nếu dương tính thì có thể đưa đến để được điều trị sớm”.
Chị Tòng Thị Thu Hà đến từ Điện Biên chia sẻ, cách đây 12 năm, chồng sắp cưới của chị mắc trọng bệnh rồi mất, khi ấy chị mới biết anh từng nghiện ma túy và nhiễm HIV. Chị rất tuyệt vọng, đã khóc rất nhiều và không ít lần có ý định quyên sinh. Nhưng chính trong hoàn cảnh bi đát đó, được sự động viên của gia đình, của cộng đồng, chị đã lấy lại niềm tin trong cuộc sống.
Chị chia sẻ: “HIV không có nghĩa là hết, vậy thì không có lý do gì mình không vươn lên cả, không có lý do gì mình không cố gắng cả. Từ đấy mình cố gắng hòa nhập với môi trường, chấp nhận hoàn cảnh. Mình cũng có thông điệp muốn gửi tới mọi người là dù bạn là ai, dù bạn đang làm gì, chúng ta hãy cùng chung tay góp sức vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam”.
Có H trong người từ lúc chào đời qua đường lây truyền từ mẹ sang con, Đinh Hà Vi (Hà Nội) phải sớm đối diện với căn bệnh thế kỉ mà mình mắc phải khi tuổi đời còn rất nhỏ - cái tuổi mà bạn bè đồng trang lứa vẫn hồn nhiên chỉ biết đến vui chơi, học tập. Bằng niềm tin mạnh mẽ, đến nay em vẫn giữ thành tích học tập tốt, may mắn được sống trong tình yêu thương của bạn bè, thầy cô. Hà Vi tâm sự, em chỉ mong những bạn trẻ có hoàn cảnh như em sẽ đủ sức mạnh vượt qua khó khăn, sự kỳ thị còn tồn tại trong cuộc sống…

“Dải băng đỏ” tôn vinh những đóng góp thầm lặng

Từ lâu, cộng đồng người sống chung với HIV tại Việt Nam vẫn luôn ý thức chấp nhận bệnh, nghiêm ngặt tuân thủ điều trị bệnh, vượt lên mặc cảm, cống hiến cho xã hội và giúp đỡ lại những bệnh nhân có HIV khác… trong nhiều năm qua.
Mặc dù định kiến xã hội dành cho họ vẫn còn đó, song tất cả đều có niềm tin vào một “giấc mộng đẹp” vào một ngày mai đẩy lùi được HIV/AIDS ra khỏi Việt Nam, một ngày mai được toàn thể cộng đồng dang tay đón lấy với tình thương, tấm lòng giữa người và người.
“Dải băng đỏ” là giải thưởng được tổ chức bởi Mạng lưới người sống chung với HIV Việt Nam (VNP+), là chương trình ghi nhận và tuyên dương những cá nhân đóng góp tích cực cho việc phòng chống HIV/AIDS, đồng thời kêu gọi cộng đồng giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
Giải thưởng “Dải băng đỏ” được VNP+ khởi xướng nhằm mục đích biểu dương những người sống với HIV tuân thủ điều trị tốt, có cuộc sống khỏe mạnh và hữu ích, thúc đẩy chương trình điều trị kháng virus, nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến HIV.
Với mục tiêu truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với các quần thể chịu ảnh hưởng bởi HIV (như người sống với HIV, người sử dụng ma túy, người lao động tình dục, người đồng tính, song tính chuyển giới); nâng cao hình ảnh, vị thế, vai trò của người sống với HIV và các quần thể liên quan; kêu gọi sự đồng hành của văn nghệ sĩ, truyền thông báo chí, chính quyền địa phương với người sống với HIV và các nhóm dễ bị tổn thương.
TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/ADIS cho biết, trải qua một thời gian dài, tuy tình trạng phân biệt, kỳ thị đối với những người không may nhiễm HIV/AIDS đã giảm đáng kể nhưng đâu đó trong cuộc sống sự kỳ thị vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Đây chính là rào cản lớn khiến cho những người nhiễm HIV, những người nghi ngờ nhiễm HIV không đến được với các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm để điều trị cũng như dự phòng cho người thân, gia đình và cộng đồng. Bằng những hành động cụ thể nhất, chúng ta hãy cùng nhau chống lại sự kỳ thị, phân biệt đối xử, giúp đỡ người không may nhiễm HIV để giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Năm nay là năm thứ hai, những người nhiễm HIV, sống chung với HIV được vinh danh. Sự kiện được tổ chức với sự bảo trợ của Cục phòng chống HIV/AIDS – Bộ Y Tế (VAAC).   

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn