MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Em bé “tí hon”, nặng 900 gram được chăm sóc đặc biệt sau ca mổ tim tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: V.Q

Những ca mổ tim ngoạn mục hồi sinh trái tim “tí hon“

Vũ Quỳnh LDO | 03/04/2017 06:25
Một bé gái sinh non chỉ nặng 900 gram, có chiều cao chỉ gấp đôi cây viết và lớn hơn bàn tay người đàn ông vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 phẫu thuật tim để giành giật sự sống. Trong những năm qua, các bệnh viện tại Việt Nam đã thực hiện thành công khá nhiều ca mổ tim phức tạp, hồi sinh những trái tim tí hon tưởng chừng như vô vọng.

Chạy đua với thời gian

Một tuần sau ca mổ chạy đua với thời gian để cứu sống em bé sinh non, nặng đúng 900gram, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) mới thở phào nhẹ nhõm. Ngày 28.3, em bé đã “cai” được máy thở, ngưng các thuốc trợ tim, ăn sữa tốt – những dấu hiệu khả quan cho một ca mổ đầy gian nan.

Nói về ca mổ này, ThS.BS Đào Trung Hiếu – Phó Giám đốc Bệnh Viện Nhi Đồng 1 cho biết, ngày 3.3, một bé gái quê ở Vĩnh Long sinh non ở tuần thai thứ 31, được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngay sau sinh với cân nặng chỉ vỏn vẹn 900gram. Lúc nhập viện, bé có biểu hiện hô hấp kém, các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản ngay cho bé.

Sau khi chẩn đoán và siêu âm tim, bé được xác định bị dị tật bẩm sinh hẹp eo động mạch chủ. Đây là một vị trí vô cùng quan trọng, là mạch máu nuôi thân dưới có chức năng cung cấp toàn bộ máu nuôi của cơ thể. Bệnh lý khiến máu đưa đi nuôi thân dưới không đủ. Mặt khác, do bé sinh non và quá nhẹ cân nên có tổn thương đa cơ quan. Các bác sĩ nhận định, nếu không phẫu thuật sớm, bé có nguy cơ nhiễm trùng cao và khó duy trì được sự sống.

Tuy nhiên, để phẫu thuật tim cho một em bé “tí hon” và quá yếu ớt như bé gái này là một quyết định khó khăn. Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn nhiều bác sĩ đến từ các chuyên khoa để bàn phương án phẫu thuật cho em bé một cách sớm nhất. ThS.BS Phạm Thị Thanh Tâm – Khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng, với ca phẫu thuật này, các bác sĩ phải chạy đua từng phút giây để cứu sống bé và không để lại biến chứng sau mổ. BS Tâm miêu tả, một em bé nặng 900gram, có chiều cao chỉ gấp đôi cây viết và lớn hơn bàn tay người đàn ông. Do đó, cái khó nhất trong ca phẫu thuật là xác định được mạch máu của bé và liều lượng thuốc gây mê. Bên cạnh đó, các bác sĩ Khoa Gây mê Hồi sức cùng bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp phải canh thời gian kẹp cắt mạch máu thật hợp lý nhằm điều chỉnh oxi và huyết áp ổn định nhất. “Chỉ cần bác sĩ bất cẩn trong một lần cắt hay một đường mổ, tính mạng em bé cũng bị đe dọa nghiêm trọng” – BS Thanh Tâm kể lại.

Đây là ca phẫu thuật tim phức tạp đầu tiên được thực hiện tại phòng mổ sơ sinh mà không phải thực hiện ở phòng phẫu thuật tim như những trường hợp trước. Nhiệm vụ đè nặng lên đôi vai của các bác sĩ, nhất là các bác sĩ phẫu thuật và gây mê. “Nếu chúng tôi không quyết đoán thì có thể đã chùn tay vì ca mổ quá khó” – BS Đào Trung Hiếu chân thành chia sẻ.

Hồi sinh những trái tim trẻ thơ

Bé gái trên được xem là em bé nhỏ tuổi và cân nặng thấp nhất được mổ tim tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và cả ở Việt Nam. Tại Hà Nội, tháng 7 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội cũng vừa phẫu thuật thành công ngoạn mục cho bệnh nhi sinh non nặng 1,4kg mắc bệnh tim bẩm sinh vô cùng phức tạp. Đó là bé T.K.N ở Hải Dương, là một trong hai bé song sinh, sinh non ở tuần 37. Vào ngày tuổi thứ 6, bé được đưa đến Bệnh viện Tim Hà Nội với tình trạng da tái xanh. Các bác sĩ chẩn đoán bé mắc chứng còn ống động mạch - một thể dị tật tim bẩm sinh. Nếu để lâu, bệnh nhi sẽ có nguy cơ bị suy tim, tăng nguy cơ xuất huyết não, hoại tử ruột và loạn sản phổi phế quản. Ngay lập tức, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật đóng ống động mạch. Ca phẫu thuật thành công. Sau mổ 10 ngày, bé tăng cân, nặng 1,8kg và sức khỏe tốt.

Bên cạnh hai em bé này, nhiều em bé “tí hon” khác mắc bệnh tim bẩm sinh nặng và phức tạp cũng đã được cứu sống. Phẫu thuật cho những em bé sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh là nỗ lực lớn của các bác sĩ. Hơn chục năm trước, việc mổ cho các em bé sơ sinh là quyết định khó khăn đối với bác sĩ. Trẻ tử vong vì bệnh tim gần như là chuyện thường ngày tại khoa Tim mạch vì kỹ thuật mổ còn hạn chế và các bé phải xếp hàng chờ mổ quá đông.

PGS.TS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch của Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, đến nay, bệnh viện đã mổ cho hàng trăm em bé sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh. Bệnh nhi sơ sinh mổ tim hở có cân nặng thấp nhất 2 kg được mổ đúng vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6 năm 2015 khi bé chỉ tròn 3 ngày tuổi.

Đó là một bé trai trong cặp sinh đôi chào đời tại An Giang. Bé sinh non ở tuần thứ 35, được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM trong tình trạng tím tái, suy hô hấp nặng. Qua khám và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện bé bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp với những bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi. Các bác sĩ đã chọn mổ hở và ca mổ thành công.

Năm 2004 Bệnh viện Nhi đồng 1 bắt đầu chương trình mổ tim kín cho những ca mổ đơn giản ban đầu. Vì mục tiêu cứu sống những em mắc bệnh tim bẩm sinh, Bệnh viện đã cử hơn 50 bác sĩ đi học kỹ thuật mổ tim tại Viện Tim TPHCM và nước ngoài. Ca mổ khẳng định tay nghề của bác sĩ Nhi đồng 1 là ca mổ tim hở đầu tiên vào tháng 6.2007. Năm 2009, bệnh viện phát triển kỹ thuật thông tim can thiệp (mổ nội soi). Từ năm 2010 tới nay, bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều ca mổ cho trẻ mắc bệnh tim nặng, phức tạp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn