MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PV Báo Lao Động trao quà hỗ trợ của Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động cho thân nhân của nạn nhân bị thiệt mạng do mưa lũ (ảnh chụp thời điểm trước dịch COVID-19). Ảnh: ĐN

25 năm Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng Lao Động: Nơi nào cần, chúng tôi có mặt

Lâm Hưng Thơ LDO | 19/06/2021 09:08

Năm nào cũng vậy, cứ vào những tháng cuối năm, các tỉnh miền Trung thường phải gánh vài ba trận mưa lũ. Như năm rồi, vào tháng 10, vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Trị có lũ vượt mốc lịch sử năm 1983. Lũ lên bất ngờ khiến người dân không kịp trở tay, nên lương thực, tài sản chìm trong biển nước. Giữa những khó khăn đó, PV Báo Lao Động và Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động luôn có mặt ở những điểm nóng, để có những bản tin kịp thời và có những món quà động viên, hỗ trợ cho người dân.

Cặp vịt sót

Dù mưa lớn đã diễn ra từ trước đó, nhưng đến giữa tháng 10.2020, ngập lụt tại tỉnh Quảng Trị mới diễn ra nghiêm trọng. Hôm đó là ngày 17.10, mưa như trút nước từ miền núi huyện Hướng Hóa, đến vùng đồng bằng huyện Hải Lăng, Triệu Phong. Đâu cũng bị ngập, đến vùng trung du huyện Cam Lộ, nước cũng lên lênh láng, đặc biệt là ở mạn gần sông Hiếu.

Trời mới tờ mờ sáng, chiếc cano của lực lượng Công an huyện Cam Lộ đã chạy mấy lượt chở người mắc kẹt ở các ngôi nhà giữa đồng. Tôi lên canô để đi cùng vào vùng lũ. Lúc đó, trên phần mái của nhiều ngôi nhà bị nước lũ vây quanh, có không ít thanh niên bám trú lại. Cứu hộ dùng loa gọi, rồi cập mạn canô vào đón, nhưng ít ai chấp nhận rời nhà, họ ở lại để giữ tài sản, sợ sẽ trôi sạch theo lũ.

Như gia đình anh Hoàng Đức Hồ (thôn Vĩnh Đại, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) dựng nhà ở nơi khá cao, nhưng cũng bị nước ngập hơn 1 mét. Gia đình anh chăn nuôi gà vịt, trải qua 3 đợt lũ trong năm thì đàn vịt 1.000 con sắp đến lúc bán bị cuốn trôi hết, chỉ còn tầm trăm con, đàn gà thì không còn con nào. Từ nửa đêm, thấy nước dâng cao, anh Hồ đã nghĩ đến việc sơ tán. Nhưng tiếc trăm con vịt còn lại, nếu đi thì vịt cũng trôi theo lũ, nên anh cứ dùng dằng. Mưa không ngớt, nước vẫn cứ dâng lên. Nhà anh Hồ có xuồng nhỏ, nhưng nước xiết, đi rất nguy hiểm nên anh đành gọi điện thoại nhờ canô vào chở 4 thành viên trong gia đình đi sơ tán.

Nhận lời cầu cứu, canô tiếp cận gần nhà anh Hồ thì không di chuyển được vì nhiều bụi rậm, cây bị gãy đổ giữa dòng nước. Lực lượng cứu hộ phải bám bên mạn thuyền, bơi vào rồi đưa 4 người lên thuyền, chở ra canô. Ngước nhìn lại về phía ngôi nhà, anh Hồ và vợ rướm nước mắt. Nước quá lớn, khiến vịt vỡ đàn, mỗi con chạy một hướng. Lúc lên thuyền, anh Hồ với tay kịp bắt được 2 con.

Khi trèo lên canô, anh đặt vịt ở mạn, rồi nói: “Cặp vịt ni còn sót lại. Nuôi chỉ cho ăn cám và cây chuối nên thịt ngon lắm. Lát anh em nấu nồi cháo bồi dưỡng”. Giữa ngày mưa gió bão bùng này, lực lượng cứu hộ trên chiếc canô cũng không biết lúc nào sẽ được vào bờ để “nấu nồi cháo bồi dưỡng”, nhưng không ai nỡ nói lời từ chối vào lúc đó.

Đến khi canô cập bờ, đại úy Hồ Văn Đặng - Công an huyện Cam Lộ nói lời cảm ơn anh Hồ, và dúi cặp vịt vào tay, bảo anh đem đến nơi sơ tán để bổ sung thực phẩm cho bếp…

Chuyển nước sạch cho vùng lũ

12h trưa, canô chở hết người dân bị mắc kẹt ở xã Cam Hiếu đến nơi an toàn thì được đưa vào bờ, cẩu lên xe ôtô tải để đến xã khác để làm công tác cứu hộ. Tôi vừa vào bờ, thì anh Nguyễn Thanh Hải - Chánh Văn phòng LĐLĐ tỉnh Quảng Trị - điện thoại, bảo nước sạch của Quỹ TLV được vận chuyển từ Thanh Hóa vào, sắp đến tỉnh Quảng Trị. Không kịp ăn trưa, 30 phút sau đó, tôi cùng các cán bộ của LĐLĐ tỉnh Quảng Trị mang áo mưa, di chuyển từ thành phố Đông Hà vào vùng rốn lũ, dẫn đường cho chiếc xe ôtô đầu kéo chở nước vào huyện Triệu Phong, sau đó là huyện Hải Lăng.

Xe dừng ở trụ sở LĐLĐ huyện Triệu Phong, cán bộ LĐLĐ tỉnh Quảng Trị, LĐLĐ huyện Triệu Phong và tôi có mặt để bưng nước. Mỗi thùng nước khoáng LaVie có 12 chai, mỗi chai 1,5 lít không phải nhẹ, bụng lại đói, nhưng 250 thùng nhanh chóng được chuyển xuống. Xong 250 thùng ở huyện Triệu Phong, tiếp tục 250 thùng nước được đưa đến cho huyện Hải Lăng. Rồi chiếc xe tiếp tục di chuyển vào tỉnh Thừa Thiên Huế để đưa nước uống cho vùng lũ ở tỉnh này.

PV Báo Lao Động trên đường tiếp cận hiện trường vụ sạt lở ở doanh trại Đoàn 337 khiến 22 quân nhân thiệt mạng (ảnh chụp thời điểm trước dịch COVID-19). Ảnh: ĐN

Vì lũ lên nhanh, không ai kịp trở tay nên người dân cần nhất là nước uống và mì tôm. Vì vậy, sau khi đưa nước đến điểm tập kết, mọi người tiếp tục vận chuyển nước, mì tôm đang đi phân phối cho một số xã bị ngập sâu.

Trước đó vài ngày, cũng dưới cơn mưa tầm tã, chúng tôi đi cùng canô của Biên phòng Quảng Trị len lỏi qua những cánh đồng trắng nước lũ, đem hơn 1.000 suất quà gồm cơm nóng, nước lọc, mì tôm, nến của Quỹ TLV Lao Động đến cho người dân ở vùng lũ huyện Hải Lăng. Ở đó, người dân đang bám trụ tại các trụ sở UBND xã, trường mầm non, nhà tránh lũ… đang thiếu thốn lương thực, họ cần được tiếp sức kịp thời, nên chúng tôi đã có mặt.

Chuyến tác nghiệp lúc rạng sáng

Sáng theo canô đi cứu hộ, chiều cùng LĐLĐ tỉnh đi vận chuyển nước trong tình trạng không hột cơm, nên tay chân rã rời. Nửa đêm hôm đó (18.10), mưa lại nặng hạt. Ngay trung tâm thành phố Đông Hà cũng ngập khắp nơi. 2h đêm, tiếng chuông điện thoại vang liên hồi, tôi giật mình nhận hung tin có một vụ sạt lở nghiêm trọng ở doanh trại quân đội, khiến hơn 22 quân nhân của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (Đoàn 337) bị mất tích.

3h sáng, tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Trị, diễn ra cuộc họp khẩn để bàn phương án cứu hộ vụ sạt lở. Theo kế hoạch, 6h sáng đoàn sẽ xuất phát từ thành phố Đông Hà lên huyện miền núi Hướng Hóa. Dự họp xong, các phóng viên có 2h để chợp mắt, nhưng không đợi được đến lúc sáng, tôi thu xếp đầy đủ đồ đạc, phương tiện tác nghiệp rồi 4h rời thành phố. Quãng đường đến huyện Hướng Hóa 70km mất hơn 1h chạy xe, từ đây vào đến hiện trường vụ sạt lở thêm 15km nữa. Khi còn cách doanh trại Đoàn 337 4km, thì đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nặng. Gửi lại xe, tôi quyết định cắt rừng, lội bộ qua những bãi sình lầy ngập sâu cả mét, đến lúc trời sáng thì chạm mặt hiện trường.

Là phóng viên có mặt sớm nhất ở nơi này, khi mới tác nghiệp được vài bức ảnh thì chuông báo động vang lên kèm tiếng ầm ầm của núi lở. Ngọn núi sau lưng doanh trại Đoàn 337 vẫn chưa hết sạt lở, nên việc tìm kiếm người mất tích khó khăn. Để đảm bảo việc đưa tin kịp thời và an toàn cho bản thân, tôi xin phép vào tá túc tại một ngôi nhà sàn vững chãi xa ngọn núi, ở gần đối diện với doanh trại Đoàn 337, rồi trèo lên đó để quan sát và xử lý các thông tin…

2 ngày bám trụ lại ở hiện trường để cập nhật thông tin, cho đến khi các thi thể của 22 quân nhân được tìm thấy, tôi trở lại thành phố. Quỹ TLV Lao Động lúc này quyết định trao hỗ trợ cho thân nhân của mỗi quân nhân gặp nạn 3 triệu đồng. Nhận quyết định hỗ trợ qua điện thoại, tôi cùng lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Quảng Trị lại tiếp tục lên đường ghé thăm gia đình các quân nhân, gửi lời động viên kèm món quà nhỏ của Quỹ TLV Lao Động.

Sau những ngày thiên tai gây thiệt hại kinh hoàng đó, mưa lũ vẫn còn diễn ra ở tỉnh Quảng Trị. Cứ nơi nào là điểm nóng, nơi nào cần sự hỗ trợ, chúng tôi lại có mặt…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn