MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cảnh nhà gieo neo của nữ công nhân góa bụa

Lục Tùng LDO | 11/02/2020 10:19

Đêm 7.2, sau khi lãnh nhiều nhát dao từ người lạ mặt trong lúc cùng hai bạn đến ủng hộ quán nhậu mới khai trương của người quen tại thị trấn Phú Hòa (Thoại Sơn - An Giang), anh Nguyễn Phước Giang (38 tuổi, ấp Vĩnh Trung, xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) đã vĩnh viễn ra đi. Rồi đây, vụ việc sẽ được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, nhưng trước mắt, nó để lại cho người vợ trẻ gánh nặng cuộc đời... Bởi giờ đây một mình chị Trịnh Ngọc Thúy (36 tuổi) phải "cơm áo, gạo tiền" lo hai con thơ và mẹ già hai mắt đã mờ, bằng đồng lương công nhân của mình.

Tràn ngập đau thương

Ngồi bất động giữa căn nhà trống hoác, nhưng không gian xung quanh chị Thúy như đầy ắp nỗi thương, đau. Đầu gục xuống, nấc liên hồi, nhưng đôi mắt chị ráo hoảnh. Tựa hồ như đau thương, bất hạnh chất ngất đã vắt hết nước mắt của người phụ nữ này. Gương mặt bạc phết, vô hồn.

Tương lai nào cho góa phụ mắc chứng tim bẩm sinh 2 con thơ? Ảnh: LT

Nhìn chị ngồi ôm 2 con thơ dại (2 tuổi và 6 tuổi) vào lòng mà tôi ái ngại khi nghĩ về tương lai của cảnh nhà gieo neo sau khi mất đi trụ cột. Bởi tiếng là công nhân bộ phận gò của công ty giày da, tọa lạc tại thị trấn Phú Hòa (Thoại Sơn), nhưng trước nay chuyện "cơm áo, gạo tiền" trong nhà do một tay anh Giang gánh vác.

Biết gia cảnh nghèo, nên anh Giang luôn tìm cách vươn lên. Làm thuê, làm mướn đủ thứ nghề, trưa đến, khi mọi người nghỉ lưng, anh lại tranh thủ mò ốc, bắt cá... để lo cho mẹ già, cho hai con và cả cho vợ bởi thu nhập từ đồng lương công nhân giày của chị Thúy rất thấp và bấp bênh. 

Anh Giang ra đi ở tuổi 38. Ảnh: LT

Do bệnh tim bẩm sinh, thỉnh thoảng hay bị ngất xỉu, phải nghỉ dưỡng vài ba ngày mới đi làm lại, nên thu nhập bình quân của chị Thúy chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/ tháng. Đã vậy, tuổi tác và bệnh tật đã và đang đưa bà Phan Thị Kiêu (sinh năm 1949, mẹ ruột anh Giang) tiếp tục trở thành gánh nặng.

“Một con mắt bị hư lúc trẻ, con còn lại cũng đang mờ dần. Giờ chỉ biết trông cậy vào dâu út. Bởi tuy có 4 người con, nhưng 3 đứa nghèo khó, bệnh tật...” - giọng rưng rức của bà Kiêu khiến cho những người có mặt rớt nước mắt.

Bất hạnh nối tiếp

Thật dễ để tìm ra nơi ở của gia đình chị Thúy ngay câu hỏi đầu tiên, bởi lâu nay anh Giang được nhiều người biết đến như thành viên tích cực của Đội Mai táng từ thiện địa phương. Nhưng ngay khi đến nơi, vẫn khó thấy, bởi căn nhà nằm khuất phía cuối dạt đất của người thân, muốn vào, phải đi nhờ vào sân nhà khác. 

Chị Thúy, 2 con thơ và mẹ chồng. Ảnh: LT

Được cất bằng cây tạp lâu năm nên căn nhà nho nhỏ đã xuống cấp trầm trọng. Xiêu vẹo, dột nát đến mức chỉ cần cơn mưa trút xuống là không còn chỗ khô. Vậy mà gần 20 năm trước, bà Kiêu phải nhờ vào sự trợ giúp của Hội chữ Thập đỏ địa phương mới có được.

Cảnh nhà xuống cấp... Ảnh: LT

Bà Kiêu kể: “Ông nhà tôi mất lúc thằng Giang 6 tuổi như con trai đầu lòng nó bây giờ. Một mình nuôi 4 con thơ, thiếu trước, hụt sau nên đâu thể lo nhà cửa. Nhờ người thân thương tình cho nương nhờ trên thửa đất sau hè, tôi che chòi tạm... Cám cảnh mẹ góa, con nheo nhóc, Hội Chữ  thập đỏ cất cho Nhà tình thương... Trước Tết, nghe tôi lo mùa mưa tới, nhà dột không còn chỗ ngủ, thằng Giang hứa qua Tết ráng làm. Vậy mà giờ nó ra đi không kịp nói lời trăn trối...”.

Nóc nhà đầy những tấm cao su chống dột. Ảnh: LT

Anh Giang không còn cơ hội để thực hiện lời hứa với mẹ già, nhưng người vợ của anh thì đang bước vào cung đường góa phụ gieo neo hơn cả mẹ chồng của 30 năm trước...

Chia tay Vĩnh Trạch trong ánh chập choạng của hoàng hôn, nhưng lòng tôi bừng lên trước ánh sáng của hệ thống đèn giao thông nông thôn do người dân góp tiền tạo dựng. Hy vọng, đời nữ công nhân Trịnh Ngọc Thúy rồi cũng sẽ sáng lên trong sự chung tay của công đồng gần xa như thế!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn