MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quý kêu gọi mọi người giúp đỡ bạn mình trên Facebook nhận được lượt thích và chia sẻ của cộng đồng mạng

Chàng sinh viên Bách Khoa chạy xe ôm lấy tiền chữa bệnh cho bạn

Phan Xâm LDO | 24/02/2016 09:00
Xuất phát từ tình thương dành cho người bạn cấp 3 đang mắc bệnh hiểm nghèo, Phan Ngọc Quý (1993), học chuyên ngành Công nghệ sinh học, trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội, nhận giao hàng, làm xe ôm hàng trăm cây số mỗi ngày để kiếm tiền giúp bạn vượt qua bệnh tật.
“Tôi đang rất cần tiền”

Dòng trạng thái trên Facebook của Quý bắt đầu với số điện thoại của mình và mấy câu ngắn gọn: “Tôi đang rất cần tiền. Ngày mai và ngày kia, thứ Bảy và Chủ Nhật tôi sẽ chạy xe ôm để dành số tiền đó ủng hộ bạn tôi. Nếu các bạn cần đi đâu hãy gọi cho tôi. Tôi sẽ lấy rất rẻ”.

Được biết Phan Ngọc Quý quê ở xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An có bạn gái học cùng lớp cấp 3 (Trường THPT chuyên Đại học Vinh) với cậu tên là Phùng Thiều Lam (SN 1993, sinh viên năm 3, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), hiện đang mắc phải bệnh sốt siêu vi viêm cơ tim - là ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam và không có thuốc chữa trị, nhưng nếu được hỗ trợ hô hấp tốt cơ thể sẽ tự đào thải virus và khỏi bệnh. Với mong muốn giúp Lam có tiền chữa bệnh, cậu sinh viên sẵn sàng nhận mọi công việc từ yêu cầu của mọi người.

“Gia đình Lam đã khánh kiệt. Tôi sẽ không cầu xin sự giúp đỡ của bất kì ai, vì các bạn cũng là sinh viên như tôi, làm gì có tiền, chỉ có lao động chân chính mới tạo ra giá trị. Bởi vậy, các bạn hãy giúp tôi chia sẻ thông tin này, để có thêm nhiều người biết đến và tôi sẽ có nhiều tiền hơn để ủng hộ cho bạn ấy. Tôi sẽ làm việc mọi thời điểm kể cả là 1, 2 giờ sáng nếu các bạn cần. Tôi sẽ lấy rẻ, rất rẻ, các bạn hãy gọi cho tôi”, Quý kêu gọi trên Facebook. Và chỉ sau một thời gian ngắn, dòng thông tin của Quý đã có hiệu quả. Từ 4 giờ sáng, đã có người gọi điện cho em.

Giữa trưa, trời vừa mưa vừa lạnh, trên chiếc xe wave màu đỏ, Quý từ trong bệnh viện Bạch Mai đi ra với vẻ mặt buồn rầu “Nay sức khỏe Lam không tốt chị ạ, do hiệu quả không tốt nên bác sỹ đã rút máy kích hoạt tim để chuyển sang phương pháp điều trị mới”, Quý nói.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi ở quán chỉ chừng mươi mười lăm phút nhưng chiếc điện thoại của Quý réo chuông liên hồi. Thỉnh thoảng một ai đó bảo Quý đến chở đi công việc, một khách hàng nào đó lại muốn thuê quý “ship hàng”, có người thì gọi thẳng Quý đến nhà để đưa tiền ủng hộ. Nhưng lịch trình hôm nay đã kín mít gần hết đêm, nên Quý đành nói lời thông cảm và cảm ơn với khách hàng.

“Nhiều người gọi ship hàng lắm, nhưng em không có nhiều thời gian. Đây này, em phải liệt kê rõ từng chỗ phải đi, phải hết ngày mai mới xong chỗ này mất”, Quý đưa ra mảnh giấy chép lại những địa chỉ cần đến để lấy tiền ủng hộ cho Lam.

Nhìn đôi dép bạc màu, chiếc ba lô trắng một lớp bụi đường càng thấy cảm phục Quý vô cùng.

Được biết, Quý có 4 anh chị em. Các chị đã lấy chồng xa nhà, bố cũng đi làm xa. Mỗi mẹ Quý ở nhà với đồng lương hưu ít ỏi. “Bình thường em vẫn làm thêm đủ nghề, từ làm gia sư, bán sách, bán ổi... Em cũng lập một nhóm xe ôm ở khu ĐH Bách khoa để kiếm tiền trang trải học hành và có thêm kinh nghiệm”, Quý tâm sự.

Trước đây, Quý ở trọ ngoài nhưng không đủ tiền. Em xin chuyển vào ký túc xá của trường để ở nhưng mấy hôm nay, chạy xe không có thời gian nên toàn bộ đồ đạc em vẫn gửi nhờ ở nhà một người bạn, đi cả ngày, đêm về đó ăn cơm và nghỉ ngơi. Mặc dù vừa làm vừa học nhưng em vẫn áy náy, bởi có nhiều khi trong giờ học, mình không thể nghe máy của khách hàng hoặc chậm trả lời tin nhắn. Em cũng biết, khi đăng tin lên facebook, thật không đúng với tính cách hàng ngày của mình nhưng em không còn cách nào khác, bởi đấy là cách nhanh nhất để em có nhiều khách hàng nhằm kiếm tiền giúp bạn chữa trị.

Được hỏi, bận bịu kiếm tiền giúp bạn thế này thì lấy đâu thời gian học, Quý nói chắc phải nghỉ học tuần này, rồi sau cố gắng bù lại, chứ giờ bỏ qua cơ hội kiếm được cho Lam ít tiền thấy tiếc lắm.

Từ ngày kêu gọi trên Facebook, Quý nhận được rất nhiều cuộc gọi chuyển tiền ủng hộ bạn mình. Quý cho biết: “Em nhận phong bì rồi để nguyên chuyển cho gia đình chứ không bóc xem bao giờ. Sau khi mọi người tính dồn lại, thì số tiền em nhận trực tiếp là 17 triệu. Còn tiền chuyển khoản là do Linh (bạn cùng lớp Đại học với Lam) nhận và thống kê. Công việc đó cũng vất vả lắm”.

Hiện tại, ngoài Quý còn có thêm 4 sinh viên nam Đại học Bách Khoa lập thành một đội chạy xe ôm, đi đến nơi nhận tiền ủng hộ Phùng Thiều Lam. “Các bạn ấy vẫn còn là sinh viên, không có tiền nên muốn cùng em làm việc kiếm tiền giúp Lam”. Ban đầu bọn em không biết nhau, nhưng giờ thân thiết lắm, Quý chia sẻ.

“Tôi biết ơn Quý và mọi người nhiều lắm”

Đó là lời chia sẻ của chị chị Thiều Thị Oanh, mẹ của Phùng Thiều Lam khi nói đến tấm lòng của Quý.

“Hiện tại, con gái chúng tôi vẫn hôn mê trên giường bệnh tại BV Bạch Mai. Nghĩ đến Quý và các bạn của con gái, tôi cảm động không thể nói thành lời. Cầm đồng tiền cháu kiếm được, tôi áy náy lắm, khuyên cháu quay về lo học hành, nhưng cháu không chịu, không thể ngăn được tình thương mà cháu và các bạn học đang dành cho con gái mình. Gia đình chúng tôi đã nợ các cháu quá nhiều”, chị Oanh nghẹn ngào nói.

Chị Oanh cho biết, trưa 29 Tết, con gái mình đột nhiên có triệu chứng đau đầu, lên cơn sốt, buồn nôn và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An.

Do bệnh tình quá nặng, Lam được gia đình chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai. Đến đây, các bác sỹ chẩn đoán em bị viêm cơ tim.

 Tính đến thời điểm này, gia đình phải mua hai chiếc máy hỗ trợ điều trị với giá hơn 200 triệu, chưa kể các chi phí khác chưa thể thống kê mà hoàn toàn từ vay mượn của hai bên họ hàng. Để duy trì sự sống cho Lam, chi phí điều trị trong những ngày tới có thể lên tới hàng chục triệu đồng/ngày.

Quý kêu gọi mọi người giúp đỡ bạn mình trên Facebook nhận được lượt thích và chia sẻ của cộng đồng mạng

Quý liên tục nhận được điện thoại chạy xe ôm, ship hàng và nhận tiền ủng hộ Lam

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn