MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CCB Nguyễn Văn Thống với những vết thương trên cơ thể cùng gia đình mưu sinh trước chợ Nhân Trạch. Ảnh: LÊ PHI LONG

Chuyện đời cựu binh Gạc Ma

Lê Phi Long LDO | 14/03/2016 15:48
Nhà cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Thống lọt thỏm giữa những quầy hàng hoá trước chợ Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Nơi đây, người cựu binh với chi chít những vết thương trên người ấy vẫn lặng lẽ cùng vợ mưu sinh trước sóng gió cuộc đời.

Chiến đấu và tù đày

Anh dũng chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc, anh Thống cùng những chiến sỹ của ta đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc. Trong số 9 người bị Trung Quốc bắt giữ, có anh Thống. “Đến giữa trưa cùng ngày thì quân Trung Quốc rút khỏi đảo, tui và một số anh em trên tàu thoát khỏi vòng vây của địch” – anh Thống nhớ lại.

Sau khi thoát khỏi những làn đạn xối xả của địch, ngụp lặn khỏi con tàu đang chìm dần với những vết thương trên người, anh trôi dạt lênh đênh trên biển suốt cả ngày trời. Đến đầu giờ chiều, khi đang trôi dạt thì anh Thống gặp đồng đội – người đồng hương cùng quê xã Tây Trạch (H.Bố Trạch) cũng đang trôi dạt là anh Lê Văn Đông, hai người quyết tâm “chết vinh quang, nếu ai sống sót trở về thì nhắn với gia đình rằng mình đã chiến đấu kiên cường để bảo vệ Tổ quốc”.

Sau đó anh Thống bị Trung Quốc phát hiện và bắt lên tàu đưa về bán đảo Lôi Châu. Sau 3 ngày tỉnh dậy thì thấy mình nằm trong nhà giam. Sau hơn 3 năm 5 tháng bị giam cầm và hỏi cung nhưng kiên quyết không khai, tháng 8.1991, chúng đành trao trả anh Thống cùng 8 tù binh Gạc Ma khác về Việt Nam.

“Mong được gặp đồng đội cũ”

Trở về từ trận chiến Gạc Ma với người đầy thương tật với mắt trái bị hỏng, tay phải, chân phải bị thương tật nặng, người chi chít các vết sẹo nên không thể làm được việc nặng nên anh phải lặng lẽ bươn chải kiếm sống qua ngày.

Ngày chúng tôi đến trao số tiền 50 triệu đồng từ Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động cho anh Thống, anh mừng không nói nên lời, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt đầy sẹo, “từng này tiền là giúp gia đình tui vượt qua rất nhiều khó khăn, bớt khổ, có đồng vốn để làm ăn rồi đó mấy chú à”. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, gần đây vợ chồng anh được UBND xã cho bố trí dọn dẹp vệ sinh ở khu vực chợ để kiếm thêm thu nhập, “có việc là làm, làm răng để kiếm được đồng tiền chân chính để nuôi sống gia đình là được, khổ mấy tui cũng chịu được” – anh Thống tâm sự.

“Mong ước lớn nhất của tui và anh em là đến ngày 14.3 hằng năm, những đồng đội cũ còn sống được gặp nhau để cùng tưởng nhớ về những đồng đội đã hy sinh trong trận chiến ấy, những người đã hy sinh để bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc, cho chúng tôi được sống như ngày hôm nay” – anh Thống nói, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ.

Quảng Bình là địa phương có nhiều cựu bình và liệt sỹ đã ngã xuống vì Trường Sa (năm 1988) và Hoàng Sa (năm 1974). Năm 2015, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đã trích hỗ trợ 11 trường hợp với tổng số tiền 430 triệu đồng. Ông Trần Quang Vũ – Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch – cho biết, “Những những tình cảm đó sẽ là động lực to lớn giúp thân nhân liệt sỹ và những người đã hy sinh một phần xương máu vì chủ quyền, độc lập Tổ quốc vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn