MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hồ Trị An.

Ma mị

Phạm Văn Tình LDO | 06/03/2017 10:02
Ma mị, khi nghe nói tới từ này, chắc hẳn mọi người sẽ hình dung ra một điều gì không hay, không đẹp. Ấy vậy mà nó lại vừa xuất hiện trong tiêu đề bài viết trên trang báo điện tử new.zing.vn (18.2.2017): Vẻ đẹp ma mị của hoàng hôn và bình minh trên Hồ Trị An.

Phóng sự ảnh này bao gồm 21 ảnh. Có thể nói, đó là những tấm ảnh được chụp công phu, rất kỹ thuật và mỹ thuật. Trong phần thuyết minh cho từng ảnh (viết khá dài), tác giả lại tiếp tục sử dụng từ “ma mị”: “Càng về chiều, ánh hoàng hôn càng rực rỡ và ma mị hơn. Mặt trời đỏ rực đường chân trời, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp; Bầu trời chuyển sang tím biếc khi đồng hồ trên tay tôi mới hơn 18h. Hiện ra trước mắt bạn sẽ là khung cảnh hoàng hôn đẹp huyền ảo”…

Qua nội dung và cách mô tả, ta thấy tác giả N. H. V. muốn ngợi ca vẻ đẹp của Hồ Trị An (thuộc tỉnh Đồng Nai) trong những khoảnh khắc khó quên. Nhưng tôi ngạc nhiên với từ ma mị được lặp lại này (với một dụng ý rõ ràng). Trong cách dùng hiện nay (đã được thống kê, giải nghĩa trong từ điển) thì ma mị là một tính từ (đồng nghĩa với ma giáo) và có nghĩa là “xảo trá, bịp bợm” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng, 2015). Ta thường nghe nói: Ánh mắt ma mị của cô nàng làm cho mọi người trong cuộc thấy sờ sợ. Ông ta đã có một hành vi ma mị để qua mắt dân làng… Hầu như chúng ta không bắt gặp từ ma mị với nghĩa tích cực trong mọi ngữ cảnh sử dụng.

Cũng bởi ma mị, cùng một loạt từ khác có thành tố “ma” trong kết hợp: ma lem, ma mãnh, ma men, ma quái, ma quỷ, ma thuật, ma xó… Các từ này đều có nghĩa gốc, nghĩa xuất phát của từ ma, vốn có 2 nghĩa: 1. Người đã chết, thuộc về cõi âm (Mỗi mả có một con ma, mỗi mà có một con cua - tục ngữ); 2. Sự hiện hình của người chết, theo mê tín (Từ hôm nó chết, hôm nào bà cũng nhìn thấy ma hiện về báo oán). Theo quan niệm dân gian, ma là một đối tượng thần bí “siêu thực”, thường mang những phẩm chất tiêu cực, huyền bí, đáng sợ. Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt, ta thấy có nhiều đơn vị biểu hiện điều này: xấu như ma, đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy, đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, ở nhà biết ma ăn cỗ, lẳng lơ chết cũng ra ma…

Trong phóng sự ảnh này, có lẽ N. H. V. muốn tôn vinh vẻ đẹp lạ thường, đến mức huyền ảo của Hồ Trị An vào hai thời điểm trong ngày: lúc bình minh và chiều tà. Nhưng đặt các tính từ “ma mị”, “rực rỡ”, “huyền ảo”… đứng cạnh nhau để mô tả nét đẹp đáng chiêm ngưỡng này rõ ràng là không ổn. Từ ma mị dùng ở đây vô hình trung đã hạ thấp giá trị của khung cảnh và làm cho câu văn trở nên mất đi giá trị ngữ nghĩa cần diễn đạt. Ai đó có thể lập luận rằng, ở đây người viết muốn sáng tạo, cố tình dùng một từ có nghĩa khác biệt, đối lập, mới có thể diễn tả được vẻ đẹp kỳ ảo của thiên nhiên (khó nói bằng lời bình thường). Thực tế cũng có thể có nhiều phát ngôn dùng kết hợp “bất thường” và từ được dùng được đưa vào dấu nháy (tức dấu ngoặc kép). Nhưng trong trường hợp này, nếu đưa “ma mị” vào dấu nháy cũng không ổn bởi nó không tạo ra một ngữ cảnh kết hợp khả dĩ được chấp nhận.

Sáng tạo ngôn từ cũng như nhiều sáng tạo nghệ thuật khác, là điều cần thiết trong cuộc sống. Nhưng mọi sự sáng tạo đều phải dựa trên một cơ sở nào đó, hợp lý và hợp logic, được người đọc chấp nhận vì không gây ấn tượng phản cảm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn