Lịch sử là ký ức của một quốc gia, dân tộc là nhận thức cộng đồng quan trọng nhất, nó thậm chí là thiêng liêng với những cộng đồng mà thờ cúng tổ tiên là điều cốt lõi. Mấy năm trước đã bùng phát một cuộc tranh luận đầy cảnh báo lo lắng đối với việc dạy và học sử về nguy cơ (thực ra là không tồn tại) môn này bị hạ thấp hoặc “xóa sổ”. Các nghiên cứu lịch sử và chứng cứ lịch sử về biển đảo Việt Nam đã tạo nên nền tảng vững vàng cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Việc nhắc nhở lại, thấu đáo hơn về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc cũng vậy. Hàng loạt nghiên cứu cá nhân và các công trình tập thể cũng như các hội thảo khoa học đã dẫn tới việc “minh oan” cho Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly… và đặt tên đường cho vua đầu triều Mạc. Xóa đi cái án “Nhuận Hồ Ngụy Mạc” trong sách sử phong kiến. Cải cách hành chính chắc chắn có được cảm hứng từ việc nghiên cứu Luật Hồng Đức thời Lê. Việc “tái lập” các tỉnh trong bản đồ hành chính chắc chắn có tham khảo lịch sử địa giới hành chính thời Minh Mạng. Thậm chí lịch sử quy hoạch đô thị thời Pháp rất quan trọng cho công tác quy hoạch các đô thị hiện đại ngày nay. Lịch sử vỉa hè giúp ta nhận biết cụ thể hơn nguyên do và những khó khăn trong cuộc “lấy lại vỉa hè” mấy tháng qua. Lịch sử quan liêu tham nhũng thời xưa giúp ích không nhỏ cho cuộc chiến chống tham nhũng hiện tại. Lịch sử món phở và cái áo dài nói riêng và lịch sử ẩm thực, thời trang rõ ràng đóng góp quyết định cho việc quảng bá thương hiệu Việt… Tất nhiên không thể ứng dụng khoa học lịch sử một cách thực dụng thô thiển nhưng lịch sử giống như ký ức về tổ tiên trong một gia đình, họ tộc là ngọn lửa nguồn nhiên liệu thổi bùng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Mang lại niềm vui sống, tự chủ trong hiện tại và vững tin vào tương lai của mỗi thành viên cộng đồng.
Sử có hai loại. Một là những công trình nghiên cứu cá nhân, theo quan điểm cá nhân khi thẩm định các cứ liệu, chứng cớ lịch sử dưới dạng vật chất, phi vật chất và các văn bản. Loại này mấy năm qua đã xuất hiện nhiều hơn và tham chiếu nhiều hơn các nghiên cứu quốc tế xưa kia cũng như đương đại về Việt Nam và lịch sử Việt Nam trong tương quan, giao thương với các quốc gia, khu vực khác. Dưới áp lực phải đổi mới của xã hội đương đại những cách “lật lại vấn đề”, các “cách tiếp cận mới” những câu hỏi tưởng như đã “an bài” khuấy động những nhận thức mới về quá khứ. Thứ hai, quan trọng nhất, là “chính sử” được toàn cộng đồng chấp nhận thông qua sự hợp thức, chính thức hóa của chính quyền và các thiết chế quốc gia như Viện Hàn lâm KHXHNV, Hội Sử học, trong các văn bản có ký tên, đóng dấu… Nó được phổ thông hóa trong giáo dục đào tạo, tuyên truyền, quảng bá, đối ngoại đối nội. Sử này là y “quốc sử” mà người dân sẽ tự động chấp nhận, tuân theo về tình cảm cũng như tư duy bởi sử học luôn vừa như khoa học vừa như nghệ thuật. Nó mặc nhiên trở thành cảm hứng và ý chí cộng đồng. Xuyên tạc sử này sẽ là phản động, gây tác hại không nhỏ.
Mới đây truyền thông đưa tin rất vui rằng, một bộ “quốc sử” lớn, đầy đủ chưa từng có, hơn 30 tập, đang được biên soạn với những đổi mới và bổ sung rất thú vị như: Sẽ có lịch sử các vùng đất phía Nam với các vương triều Champa hay Phù Nam, Chân Lạp trước khi các vùng này hợp nhất với Đại Việt vào Việt Nam. Sẽ thêm nhiều lịch sử các dân tộc thiểu số. Sẽ thêm nhiều sử của các lĩnh vực ngoài chính trị và quân sự như kinh tế, công nghệ, thương mại nghệ thuật. Sẽ có nhìn nhận mới về Gia Long và các vua đầu triều Nguyễn. Thậm chí thời Việt Nam Cộng hòa sẽ được trình bày và không gọi là ngụy quân ngụy quyền như trước nữa… Không hiểu sao tôi vẫn tin rằng chỉ những thay đổi nhận thức về quá khứ mới thể hiện đầy đủ, lắng đọng nhất những đổi mới của hiện tại. Ở chốn lao xao việc biên soạn bộ quốc sử mới đang thổi một làn gió vui mừng. Chân thành chúc các bạn làm sử của chúng ta thành công!