MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhớ một thời Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động nơi rốn lũ

Phấn Đấu LDO | 12/10/2021 09:29

Trong cuộc đời làm công tác Công đoàn của mình, các anh chị có nhiều kỷ niệm khó quên. Nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là những ngày “lênh đênh” trên sóng nước ở vùng lũ Đồng Tháp Mười để mang quà của Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng Lao Động đến với người dân nghèo đang chờ đợi từng chén cơm, manh áo… 

Một thời để nhớ 

Ông Trương Văn Hiền - nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang - chia sẻ, trong cuộc đời làm cán bộ Công đoàn hơn 40 năm của mình, ông nhớ nhất là những tháng ngày cùng Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng (TLV) Lao Động đến với người lao động và bà con nghèo vùng lũ Đồng Tháp Mười. 

Ông nhớ lại: Lúc ấy là mùa "lũ dữ" cuối năm 2001, ông vừa được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh. Khi được Báo Lao Động thông báo có chương trình tiếp sức vùng lũ của Quỹ TLV, cơ quan đã “đặc trách” ông Hiền chuyện lo tiếp nhận hàng hóa, tổ chức cứu trợ cho người lao động, người dân 3 huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh đang bị nước lũ vây hãm. 

Ông Hiền không nhớ chính xác có bao nhiêu chuyến hàng của Quỹ TLV chuyển đến tỉnh Tiền Giang trong gần 4 tháng mùa lũ năm ấy, có lẽ khoảng 30 - 40 chuyến. Có khi mỗi ngày 1 chuyến hàng, có ngày 2 chuyến, lúc ít thì mỗi tuần 1 - 2 chuyến… Hàng hóa chuyển đến từ TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ hoặc 1 tỉnh, thành nào đó mà Quỹ TLV vận động tài trợ được, chủ yếu là gạo, quần áo và các nhu yếu phẩm khác. Hàng thường tập kết về cơ quan LĐLĐ tỉnh, cũng có khi đưa thẳng xuống vùng lũ dọc theo Quốc lộ 1 để từ đó chở bằng xuồng vào các xã vùng lũ. 

Vào những lúc cao điểm, có ngày LĐLĐ tỉnh tổ chức 2 đoàn đi cứu trợ. Những chuyến đầu cứu trợ, tham gia với LĐLĐ tỉnh có các anh Lê Thanh Nguyên, Lê Vũ Tuấn là lãnh đạo Văn phòng Đại diện Báo Lao Động tại Đồng bằng sông Cửu Long (từ Cần Thơ qua) và 1 cộng tác viên của Báo Lao Động tại Tiền Giang. 

Ông Hiền cho biết, một ngày đi cứu trợ thường bắt đầu vào khoảng 5 giờ sáng và kết thúc khi trời đã tối mịt. Hàng cứu trợ được cho lên xe chở đến trung tâm các huyện vùng Đồng Tháp Mười là Cái Bè, Cai Lậy và Tân Phước. Ngày đó, hệ thống đường bộ trong vùng còn nghèo nàn, lạc hậu, mà mùa lũ năm ấy nước lên rất cao và kéo dài, hệ thống đường bộ chỉ vào được đến trung tâm các huyện, còn lại tất cả tuyến đường về xã đều ngập sâu, ghe thuyền có thể chạy trên đường lộ. Từ trung tâm các huyện, hàng cứu trợ của Quỹ TLV được cho xuống xuồng để đưa vào các xã. 

Vì hàng cứu trợ khá nặng nên không thể chở bằng xuồng máy (ca nô) mà phải đi bằng ghe máy rất chậm. Trước đó, theo kế hoạch đã thống nhất giữa LĐLĐ tỉnh và địa phương, thông tin về chuyến hàng cứu trợ đã được báo trước cho các xã. Vì vậy, khi ghe chở hàng cứu trợ đến trung tâm xã, hàng trăm chiếc xuồng “ba lá” của dân đã tập trung sẵn chung quanh trụ sở UBND xã bị ngập gần tới nóc. Nghi thức trao hàng cứu trợ được tổ chức ngắn gọn trên biển nước, rồi những bao gạo, túi quần áo, hàng nhu yếu phẩm… được chuyển từ ghe lớn qua từng chiếc xuồng nhỏ của bà con. Những người nông dân lam lũ thoăn thoát mái chèo đưa xuồng tỏa về bốn hướng... Cứ thế, mỗi chuyến đi thường qua 2 - 3 xã, đến khi trở về trung tâm huyện thì trời đã tối. 

Ông Hiền bồi hồi nhớ lại: “Lãnh đạo tỉnh và các huyện vùng lũ rất cảm kích chương trình cứu trợ của Quỹ TLV. Còn người dân vùng lũ thì khỏi phải nói, quà cứu trợ của Quỹ TLV đến với họ như “phao cứu sinh”. Lúc ấy, tỉnh còn nghèo, nguồn lực rất hạn chế, mà người dân bị ảnh hưởng lũ thì quá nhiều, nên hàng hóa từ Quỹ TLV đưa về kịp thời và dồi dào có ý nghĩa rất lớn. Mãi đến bây giờ có dịp gặp lại, các anh lãnh đạo thời ấy vẫn còn nhắc về những chuyến hàng cứu trợ của Quỹ TLV với lòng biết ơn sâu sắc”. 

Chuyện bây giờ mới kể 

Vào mùa lũ năm 2001, bà Lê Thanh Tiền - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang - đang là Chủ tịch LĐLĐ huyện Cái Bè, là 1 trong 3 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất tỉnh Tiền Giang. Bà Tiền cho hay, có gần 10 chuyến cứu trợ từ Quỹ TLV về huyện Cái Bè và chuyến nào bà cũng đi theo đoàn. Hàng cứu trợ thường tập kết trên Quốc lộ 1 hoặc ở Huyện ủy Cái Bè để từ đó dùng ghe máy đưa vào các xã. 

Bà Tiền nói rằng, do đường lộ bị ngập sâu không đi lại được, nên dù người dân bắt được nhiều cá do nước lũ đem về vẫn không có cách nào bán đổi lấy gạo. Vì vậy, một người mẹ đã bật khóc khi ôm trong tay bao gạo của Quỹ TLV vì cả tháng rồi, các con nhỏ của bà chỉ được ăn cháo loãng với… cá. 

Bà Tiền cho biết, cũng có nhiều hội, đoàn đến Cái Bè để cứu trợ bà con vùng lũ, nhưng chỉ có Quỹ TLV Lao Động đến với tần suất dày đặc, số lượng dồi dào và đặc biệt là luôn vào tận vùng lũ để trao cho bà con. Không chỉ đồng hành với địa phương suốt những tháng mùa lũ, mà sau khi nước lũ vừa rút, cũng Quỹ TLV đã vận động tài trợ xây dựng mới một ngôi trường cấp 1 (tiểu học) đã bị nước lũ cuốn trôi. Ngày khánh thành ngôi trường có đầy đủ lãnh đạo huyện, xã đến dự để tỏ lòng tri ân Quỹ TLV. 

Hàng chục năm sau, khi kinh tế đã phát triển, mùa lũ hàng năm không còn là vấn đề đối với người dân Cái Bè, một lần đi công tác xã vùng sâu, bà Tiền gặp 1 nữ cán bộ của xã. Cô gái trẻ cho biết, hơn 10 năm trước, cô từng cùng cha chèo xuồng đi nhận gạo cứu trợ của Quỹ TLV Lao Động. Lúc đó, đầu óc trẻ thơ chưa hiểu ý nghĩa của bao gạo được trao tặng, nhưng nhìn cái cách người cha lưu giữ cái bao làm kỷ niệm sau khi dùng hết gạo, cô hiểu rằng đã có một sự biết ơn sâu sắc.

Cô gái trẻ cho biết, hơn 10 năm trước, cô từng cùng cha chèo xuồng đi nhận gạo cứu trợ của Quỹ TLV Lao Động. Lúc đó, đầu óc trẻ thơ chưa hiểu ý nghĩa của bao gạo được trao tặng, nhưng nhìn cái cách người cha lưu giữ cái bao làm kỷ niệm sau khi dùng hết gạo, cô hiểu rằng đã có một sự biết ơn sâu sắc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn