MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Nó vẫn luôn tự hình dung ra bố nó”

HN LDO | 05/09/2016 16:01
 

Sự anh dũng hi sinh của 64 chiến sĩ trên đảo Gạc Ma năm 1988 vẫn luôn được những người dân Đất Việt ghi nhớ. Nhân kỉ niệm 27.7, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình liệt sĩ Đỗ Viết Thắng (thôn 1, xã Thiệu Tân, Thiệu Hóa, Thanh Hóa), người lái trưởng quả cảm của tàu HQ 604. Liệt sĩ Thắng hy sinh khi mới 23 tuổi, để lại người vợ trẻ mới 22 tuổi và đứa con gái chưa một lần được nhìn mặt. Bà Đỗ Thị Hiền, vợ liệt sĩ Thắng, chia sẻ: “Anh ấy hy sinh khi con mới được mấy tháng. Lúc đó, anh cũng chỉ biết vợ đã sinh con gái mà chưa có cơ hội về thăm con”. 

 

 Bà Hiền xúc động khi nhắc đến người chồng đã hy sinh

Bao nhiêu năm sau ngày chồng hy sinh, bà Hiền vẫn một mình tần tảo nuôi con khôn lớn. Bà kể, từ bé, Thu đã không có được sự nâng niu, chăm sóc của bố, nhưng lúc nào em cũng rất tự hào về sự hy sinh anh dũng của bố. “Mỗi lần thấy chúng bạn có đủ bố mẹ chăm sóc, Thu buồn lắm. Nhưng em không hỏi mẹ về bố vì cũng sợ mẹ buồn. Em tự hình dung về bố và vẽ những bức tranh gia đình mình”, bà Hiền ngậm ngùi nghĩ lại. Nhờ chế độ chính sách của nhà nước cho con liệt sĩ, mấy năm nay, Thu được nhận vào dạy một trường gần nhà. Con gái liệt sĩ cũng đã lập gia đình và có một đứa con gái kháu khỉnh. “Như vậy là tôi nhẹ nhàng rồi. Tôi đã giúp chồng chăm lo và dạy dỗ con gái lên người”, bà Hiền kể.

 

 Đại diện Quỹ XHTT Tấm Lòng Vàng trao quà cho gia đình liệt sĩ

Rời nhà liệt sĩ Thắng trong câu nói khắc khoải “Nó vẫn luôn tự hình dung ra bố nó”, chúng tôi lại tiếp tục đến thăm gia đình liệt sĩ Cao Xuân Minh (trú tại thôn 9, xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa). Ông Cao Xuân Điều - bố liệt sĩ nay đã già phải nằm viện điều trị thường xuyên. Mẹ vì nhớ thương con cũng mắc bệnh tâm thần. Anh Cao Văn Bình, anh trai của liệt sĩ thay cha mẹ đón tiếp chúng tôi. Anh cho biết Minh đi bộ đội hải quân năm 1986 khi mới 18 tuổi và là hoa tiêu của tàu HQ 505. Trước ngày tham gia công tác tại đảo Gạc Ma, Minh chỉ kịp gửi cho gia đình một bức thư viết vội tại Nha Trang ngày 8.3. "Bức thư chưa kịp gửi về đến nhà thì Minh đã vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. Lúc thư về đến nhà cũng là lúc gia đình nhận được giấy báo tử", anh Bình kể lại.

Nhắc tới kỉ vật của em trai, anh Bình liền lấy trên khung ảnh thờ một mảnh vải nhỏ. Đó là cầu vai trên bộ quân phục hải quân, thứ duy nhất anh Minh để quên sau chuyến về thăm nhà. Khi được Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động ngỏ ý muốn xin lại để đặt trong Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, anh Bình xin phép bố đang nằm bệnh viện và trân trọng trao lại cho Quỹ. 
 GIa đình liệt sĩ Cao Xuân Minh trao lại kỉ vật cho Quỹ 

Anh Bình xúc động bảo: “Kỉ vật của Minh không có nhiều, chỉ là miếng vải cầu vai thôi nhưng với gia đình chúng tôi là rất thiêng liêng. Trải qua bao khó khăn, bao lần chuyển nhà, bão lũ nhưng bố tôi vẫn luôn cất giữ thật cẩn thận. Nay tôi đại diện gia đình trao lại cho Quỹ để trưng bày tại Khu tưởng niệm với mong muốn thế hệ mai sau sẽ ghi nhớ sự hy sinh của các chiến sĩ năm xưa để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn