MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong trận lũ tại Quảng Trị tháng 10.2010, ngoài việc hỗ trợ cho người dân vùng lũ về nước uống, thức ăn, Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động đã hỗ trợ 10 nạn nhân bị thiệt mạng do mưa lũ tại Quảng Trị với số tiền 3 triệu đồng/người. Ảnh: AT

Quỹ Tấm lòng Vàng - hoạt động thiện nguyện sâu đậm với đồng bào miền Trung

Q.ĐẠI LDO | 16/10/2021 07:15
25 năm qua, Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động đã đồng hành cùng người dân miền Trung với những chương trình, hoạt động đậm nghĩa ân tình, chia ngọt sẻ bùi cùng người dân khó khăn trong thiên tai bão lũ, làm sáng lên truyền thống nhân ái, uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Uống nước nhớ nguồn

Chương trình tháp chuông Đồng Lộc là một dấu ấn quan trọng trong hành trình hoạt động của Quỹ Tấm lòng Vàng trên mảnh đất miền Trung gian lao mà kiên cường, anh dũng. Công trình được xây dựng từ sáng kiến của tỉnh Hà Tĩnh, Báo Lao Động (Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động), Báo Đầu tư, Học viện hành chính Quốc gia... phối hợp tổ chức quyên góp từ mọi miền đất nước.

Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 27 tỉ đồng do đồng bào cả nước tình nguyện đóng góp, trong đó các hạng mục chính là tháp chuông cao 37m bao gồm 7 tầng và 1 tầng áp mái với quả chuông đồng lớn nặng gần 6 tấn, cao 3,7m, đường kính 1,95m, do nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng (Cơ sở đúc đồng Hoa Mai - Ngũ Xã, Hà Nội) thực hiện trong vòng 11 tháng. Công trình động thổ vào ngày 14.7.2007, khởi công xây dựng vào ngày 26.3.2009 và khánh thành vào ngày 2.1.2011, trở thành một điểm nhấn đặc biệt tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc.

25 năm qua, Quỹ Tấm lòng Vàng luôn tiên phong trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sĩ,  đặc biệt là chương trình hỗ trợ thân nhân các liệt sĩ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma năm 1988.

Chị Trần Thị Ninh, xóm 2, xã Diễn Nguyên (huyện Diễn Châu-Nghệ An) mỗi lần gặp chúng tôi đều rưng rưng xúc động: “Cảm ơn Quỹ Tấm lòng Vàng-Báo Lao Động nhiều lắm, Quỹ đã hỗ trợ cho gia đình tôi rất nhiều, giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất”.

Chị Ninh là vợ anh Phan Huy Sơn, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, hy sinh tại Gạc Ma vào ngày 14.3.1988 cùng với 63 đồng đội. Năm 1981, anh chị kết hôn, năm 1982, anh đi công tác tại đảo Trường Sa. Khi nghe tin anh hy sinh, chị ngã quỵ, nhưng phải gắng gượng sống để nuôi hai con, thờ chồng. Điều đau đớn với chị là cháu trai đầu Phan Huy Hà bị dị tật bẩm sinh, không nói được, ngay cả ăn cũng phải đút, suốt ngày đi lang thang. Bé gái thứ 2 là Phan Thị Trang lớn lên, học ngành Y và được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo tuyển thẳng vào biên chế.

Chị Ninh phải chăm Hà như đứa trẻ lên ba, dù em đã hơn 30 tuổi. Sức khỏe chị yếu dần, một thận đã bị teo, một thận bị sỏi nhưng không thể phẫu thuật chỉ có thể duy trì bằng thuốc. Mặc dù đã có trợ cấp của Nhà nước nhưng cuộc sống của hai mẹ con hết sức chật vật. Năm 2014, Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động hỗ trợ chị 55 triệu đồng.

Với số tiền đó, chị trích ra một ít để trả nợ tiền học cho Trang, một ít để sửa chữa căn nhà tình nghĩa đã quá dột nát. Còn lại, chị mua một con bò 24 triệu đồng, một con lợn nái 1,5 triệu đồng và đàn gà vịt giống. Không có thời gian dắt bò đi ăn cỏ ngoài đồng, chị nuôi nhốt, xin rơm của bà con rồi hái rau, chuối, mua cám... cho bò ăn. Tranh thủ lúc Hà đi chơi, chị lo thức ăn cho lợn gà, vịt. Đến nay, bò của chị đã có chửa gần đẻ, bê phát triển tốt bán được hơn 10 triệu đồng. Lợn nái một năm một lứa, thu khoảng 3 triệu đồng, gà vịt cung cấp thịt, trứng và bán.

Cùng với tiền trợ cấp, chế độ, cuộc sống của hai mẹ con đã đỡ hơn trước rất nhiều. Một nhà hảo tâm ở TP.Vinh đã hỗ trợ chị 10 triệu đồng, chị mua bàn thờ bằng gỗ để đặt ảnh và bằng Tổ quốc ghi công cho anh Sơn. Nhà cửa cũng đã khang trang, gọn gàng hơn trước.

Cùng với chị Ninh, Quỹ Tấm lòng Vàng đã quan tâm thăm hỏi, động viên, hỗ trợ thân nhân 63 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma và nhiều hoàn cảnh thân nhân liệt sĩ khác có hoàn cảnh khó khăn, góp phần vun đắp truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Kịp thời chia sẻ với NLĐ và người dân khó khăn, hoạn nạn

Năm 2015, vụ tai nạn lao động sập giàn giáo ở công trường xây dựng dự án Formosa tại Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh-Hà Tĩnh) gây hậu quả thảm khốc làm 15 người chết, gần 30 người bị thương. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, phóng viên Báo Lao Động đã có mặt tại hiện trường đưa tin về vụ việc, Ban lãnh đạo Quỹ Tấm lòng Vàng đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp mỗi gia đình có nạn nhân tử vong 5 triệu đồng, hỗ trợ người bị thương 3 triệu đồng.

Mới đây nhất, vào tháng 1.2021 xảy ra vụ tai nạn lao động tại công trường dự án xây dựng nhà làm việc Sở Tài chính Nghệ An làm 1 người chết, 10 người bị thương, trong đó có nhiều người bị thương nặng. Quỹ Tấm lòng Vàng đã quyết định hỗ trợ gia đình công nhân tử vong 2 triệu đồng, mỗi người bị thương 1 triệu đồng. 

Trong các dịp miền Trung gặp thiên tai bão lũ, phóng viên Báo Lao Động luôn có mặt tại các “điểm nóng” để phản ánh kịp thời, đồng thời cũng đóng vai là các “sứ giả”, đại diện của Quỹ Tấm lòng Vàng, cùng cán bộ công đoàn và chính quyền địa phương các cấp, kịp thời động viên, hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn.

Trưởng Văn phòng Bắc Trung bộ - Lâm Chí Công, các phóng viên Hưng Thơ, Quang Đại, Trần Tuấn ngày đêm bươn chải, lặn lội, kêu gọi mọi người chung tay chia sẻ với đồng bào, chiến sĩ hoạn nạn, bên cạnh vai trò đại diện của Quỹ Tấm lòng Vàng tại Quảng Trị.

Con số cụ thể về vật chất từ sự hỗ trợ của Quỹ Tấm lòng Vàng đối với đồng bào miền Trung trong 25 năm qua là rất lớn, tuy nhiên vẫn có thể thống kê được. Điều không thể đong đếm được chính là tình nghĩa, sự tri ân, xúc động sâu sắc mà các nạn nhân, thân nhân, người dân, cán bộ công đoàn các cấp, đồng bào, chiến sĩ miền Trung đã dành cho Quỹ Tấm lòng Vàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn