MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cả mấy cha con ông Lê Văn Hoá thất nghiệp, cả gia đình lao đao.

Thất nghiệp, vợ chồng người thợ hồ cơ cực nuôi 3 người cháu thất học

Minh Châu LDO | 01/08/2021 10:00
Đã nhiều tháng nay, ông Lê Văn Hoá (62 tuổi) thất nghiệp vì dịch bệnh COVID-19. Với nghề thợ hồ, mỗi ngày ông kiếm được 300-400.000 đồng nhưng “bữa được bữa mất”. Từ khi tỉnh Đồng Nai áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, ông Hoá chính thức thất nghiệp. Không có tiền, hai vợ chồng ông và 3 đứa cháu nhỏ sống “lay lắt” trong sự giúp đỡ của bạn bè, họ hàng, chờ dịch bệnh sớm qua để đi kiếm việc làm.

Vợ chồng ông Hoá từ quê Sóc Trăng, mang theo 3 người con trai và 3 đứa cháu nội vào TP.Biên Hoà (Đồng Nai) để mưu sinh. Ông Hoá chia sẻ: Cuộc sống ở quê nghèo khó, mà không có việc gì làm, mảnh ruộng không đủ để lo ăn cho mấy đứa cháu nên khi có người bạn giới thiệu ở Đồng Nai có công việc thợ hồ ngày kiếm tiền trăm, thế là cả gia đình tôi quyết định dắt díu nhau lên trên Đồng Nai để làm hồ, kiếm tiền mưu sinh.

Ban đầu, công việc của ông khá thuận lợi khi liên tục có công trình gọi làm. Vốn là nghề quen tay từ khi còn ở quê nên sau vài ngày làm việc chăm chỉ, chứng minh được tay nghề, ông cũng cất nhắc lên làm thợ chính, được trả mức lương hậu hĩnh.

Thấy công việc tốt, ông Hoá đưa 3 đứa con trai lên Đồng Nai để làm cùng. Ông Thuê một căn nhà trọ giá gần 3 triệu đồng tại KP11A, P.Tân Phong, TP.Biên Hoà cho cả gia đình gồm các con trai và 3 đứa cháu nội cùng ở. Nhà trọ chật hẹp khoảng hơn 10m2 nhưng có khoảng sân rộng, ông và các con phải ra ngoài hiên để ăn, ngủ và sinh hoạt, để dành căn phòng cho mấy đứa cháu ở khỏi mưa nắng.

Cuộc sống tưởng chừng cứ thế trôi qua thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát bắt đầu ở TP.HCM và lan về Đồng Nai. Từ đó, công việc của ông cũng ít dần, nhiều tuần không có việc làm ông đành ở nhà “than ngắn thở dài” nhìn 3 đứa cháu nheo nhóc, có đứa đã gần chục tuổi đầu nhưng đều thất học.

Ông chia sẻ: “Nghề thợ hồ này cơ cực lắm. Sợ nhất là không có việc đều, chứ tôi không quản ngại nắng hay mưa. Đặc thù của nghề này là cứ vào mùa nắng đổ lửa thì việc càng nhiều. Tuy vất vả nhưng thu nhập ổn định, lo cho gia đình và còn có một khoản dư dả để tiết kiệm, phòng thân”.

Đến nay, dịch COVID-19 tràn về, tỉnh Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ nên ông Hoá không có việc làm. Ba đứa con trai của ông theo ông làm nghề thì nay cũng thất nghiệp theo.

Ông và 3 con là trụ trong gia đình đã thế, vợ ông Hoá trước kia đi lượm thêm bao bì, ve chai để kiếm thêm tiền chợ lo cho mấy đứa cháu, nhưng nay cũng phải ở nhà. Không có tiền mua đồ ăn, bà sang ao rau muống ở gần khu trọ cắt về nấu ăn dần, cầm cự cho qua ngày.

Gia đình ông Hoá là một trong hàng trăm, hàng nghìn người lao động tự do đang gặp khó khăn nhưng ít được quan tâm của xã hội hiện nay. Theo tìm hiểu của PV, nhiều trường hợp thợ hồ, phụ hồ chỉ là “hợp đồng miệng” làm ngày nào lĩnh lương ngày đó mà không có các chế độ nào khác như bảo hiểm, tiền hỗ trợ… Đến khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, đây cũng là đối tượng gặp nhiều khó khăn.

Dịch COVID-19 khiến cho nhiều người lao động mất việc làm, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Theo thống kê, Đồng Nai có khoảng 1,2 triệu lao động, trong đó số lao động làm việc trong các khu công nghiệp là 700.000 người. Ngoài ra, số lao động làm nghề tự do trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng rất lớn. Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tình hình việc làm của người lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trở nên rất khó khăn, công việc bị ngắt quãng liên tục do địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn