MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện Quỹ XHTT Tấm Lòng Vàng đến thăm và trao quà cho các bệnh nhân

Về nơi bến cuối của cuộc đời

TUỆ NHI LDO | 03/10/2016 10:31
Cách TP. Thái Bình chỉ hơn chục km nhưng Bệnh viện Phong da liễu Văn Môn như một thế giới khác nằm ẩn mình bên triền đê sông Hồng thuộc xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư, Thái Bình).

Men theo những đoạn đường gập ghềnh, Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động đến thăm những mảnh đời bất hạnh tại Bệnh viện Phong da liễu Văn Môn (Thái Bình). Bước qua những dãy phòng khám khang trang, nơi ăn chốn ở khá sạch sẽ, rộng rãi nhưng cảm giác mang lại là sự đìu hiu, cô quạnh. Tại đây, hơn 500 bệnh nhân phong đang điều trị, trong đó, gần 250 bệnh nhân nặng bị mù lòa, liệt cả người không đi lại được…. Bệnh tật khiến họ trở nên dị dạng, người cụt chân, người cụt tay rồi khiếm thị, khiếm thính. Trong số đó, nhiều người tuổi đã cao, trải qua 70, 80 năm sống cách ly, cô đơn, quạnh quẽ ở làng phong heo hút này.Họ không chỉ phải chịu nỗi đau thể xác mà còn là sự mặc cảm về tinh thần, là sự ghẻ lạnh, bỏ rơi của chính con cháu họ. Chả thế mà, con cháu trở thành người lạ, mà những người xa lạ gắn bó, chia sẻ khó khăn với nhau thành người quen. Mặc dù, các cấp chính quyền và Ban giám đốc bệnh viện đã có nhiều nỗ lực kéo khoảng cách giữa trại phong và làng xóm gần lại nhưng xem ra vẫn còn đó một “bức tường vô hình”. Họ là những mảnh đời chắp vá, nối ghép. Sau bao đưa đẩy, họ dạt về đây như ga cuối của cuộc đời. Hạnh phúc, ấm áp của các cụ bây giờ là sự sẻ chia của xã hội, sự thăm nom, động viên của các đoàn từ thiện đến giao lưu.

 

 Nhiều cụ đã ở đây 70, 80 năm

Cụ Vương Thị Dậu (97 tuổi, quê ở Hải Hậu, Nam Định) - người gắn bó 80 năm cuộc đời nơi trại phong này. Năm 17 tuổi, khi còn là cô gái xinh đẹp trong làng, cụ Dậu bắt đầu có biểu hiện bệnh phong, bị mọi người hắt hủi, xa lánh. Rồi cụ được đưa về bệnh viện này. Kể từ đó, 80 năm qua cụ gắn bó với nơi đây. Cụ bảo: “Cuộc sống bây giờ chúng tôi so với mức sống đối với người bình thường trong một tháng như vậy là quá thấp, khoảng 600.000 đồng/tháng. Nhưng, đối với những người bệnh nơi đây, được Đảng, Nhà nước quan tâm chu cấp tiền như thế, đời sống đã tốt hơn xưa rất nhiều”.

 

 Cụ Vương Thị Dậu tâm sự về thời gian dài sinh sống nơi đây

Bác sĩ Nguyễn Thị Thái - Phó Giám đốc bệnh viện - cho biết, phần lớn các bệnh nhân điều trị và sinh sống tại đây đều yếu, chân tay bị tàn phế và không còn khả năng lao động. Nhiều cụ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải dựa hoàn toàn vào các hộ lí nên với mức chu cấp hiện tại vẫn còn rất khó khăn. Với số tiền 10.000 đồng một ngày ăn, Ban Giám đốc bệnh viện cùng các nhân viên đã cố gắng lo cho các cụ hai bữa, tìm mọi cách đổi khẩu phần ăn cho các cụ. Tuy nhiên, với số tiền ít ỏi đó, rất khó để đảm bảo cho các cụ được ăn ngon, đầy đủ dưỡng chất.

 

 Bữa cơm với mức giá 5.000 đồng

Nhân dịp về thăm, chia sẻ cùng các cảnh đời tại Bệnh viện Phong da liễu Văn Môn, Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động đã gửi đến các cụ 30 thùng sữa Vinamilk và 33 kg bột giặc đậm đặc Lix.

 

 

 

 

Mọi sự giúp đỡ các cảnh đời tại Bệnh viện Phong da liễu Văn Môn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động, địa chỉ: 51 Hàng Bồ, Hà Nội; ĐT: 04.39232748; hộp thư:  tlvlaodong@gmail.com; Hoặc chuyển về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng, tài khoản: 102010000013374, Ngân hàng TMCP Công thương VN, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội;Liên hệ trực tiếp Giám đốc bệnh viện Nguyễn Thế Bê, SĐT: 0967951212

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn