MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện dọc đường: Nhuyễn kiếm

LÊ CHÂN NHÂN LDO | 09/06/2017 06:37
Ba mươi năm trước, trong một chuyến lên núi Bạch Mã ở Huế luyện võ, tôi có cơ duyên hiểu được chữ “mềm” với một cách hiểu mới, khác với sách vở từng được đọc.
Sau buổi tập chiều, ngồi trên Vọng Hải Đài, thầy tôi - võ sư Nguyễn Văn Dũng - đọc bài “Khúc ca Phạm Thái” của thi nhân Nguyễn Đình Toàn. Bài thơ cảm khái về hai nhân vật Phạm Thái và Trương Quỳnh Như trong truyện “Tiêu Sơn Tráng sĩ” của Khái Hưng. Hai câu đầu gây ấn tượng rất mạnh: “Ta tráng sĩ hề, lòng không mềm bằng kiếm. Ta anh hùng hề, sự nghiệp có đầy đôi mắt Trương Quỳnh Như”.

Tại sao “lòng không mềm bằng kiếm”, hết thảy đám học trò đều ngơ ngác. Thầy tôi cắt nghĩa: Kiếm báu có một loại tên gọi nhuyễn kiếm. Mỏng và mềm tựa lá lau. Bọn kiếm khách thường thắt như chiếc đai lưng, khi lâm sự bung ra thành lưỡi kiếm sắc bén như chớp, vô cùng linh diệu. Thế nhưng, việc danh chí bất thành của Phạm Thái lại chẳng phải là câu chuyện cây kiếm mà là sự dằn vặt, đau đớn của kẻ tráng sĩ mang chí lớn như chàng muốn khuynh đảo càn khôn, nhưng một ngày chợt nhận ra mình “tài sơ, sức mỏi”...

Đám đồng môn chúng tôi lại cật vấn lẫn nhau: “Vậy “mềm” khó hay “cứng” khó?”. Không ai cãi nổi ai. Sư phụ tôi đủng đỉnh: Bất phân. Ở đời, đi về thái cực nào cũng buộc người ta phải có chân tài thực học. Thiếu đó, khó làm gì nên chuyện. Lại thấy cái gọi là chân tài thực học chẳng thể nằm mơ mà có được. Kẻ được tiếng là trời cho thì cái cho kia cầm bằng cũng chỉ như miếng vảy cá thôi. Đã gọi vảy cá thì mỏng manh, tấm mẳn dễ tan biến như chơi vậy. Ta nghĩ các trò ai cũng được mảnh vảy trời cho cả. Thời trẻ, ta cũng từng được cho, nhưng bởi không biết cầm giữ nên tuổi già càng thẹn với người đã gửi lại câu thơ nhuyễn kiếm.

 Trên kia, ta vừa nói về sự “bất phân”. Thử ngẫm một chút mà xem: Thép nóng tột cùng thì thành nước, nước lạnh tột cùng thì thành đá. Hai thái cực đắp đổi nhau như sự âm dương, đi về phía cực nào cũng đều phải tu luyện cả. Mà tu luyện nghĩa là phải nếm trải, chịu đựng muôn trùng nóng lạnh mới có cơ may không để mất “miếng vẩy cá” trời cho ấy. Kẻ tiểu khí gặp đá thì vung gươm, gươm gẫy ngửa mặt than thân trách phận bất phùng thời. Bậc can trường, gặp đá thì hóa nước, lặng lẽ mà đi, “nước chảy đá mòn”.


Cảm khái thay, Tráng sĩ Tiêu Sơn vẫn tự trách mình lòng “không mềm bằng kiếm”.

Còn một lẽ này: Chuyện thành bại trong kiếm pháp ấy là biết giấu gươm và giấu đường gươm. Không ít tài năng nhưng nội lực chưa đủ thâm sâu cứ phô ra lạnh toát như lưỡi gươm trần không khách khí khiến người khác phải sợ hãi hoặc lo lắng đề phòng thì thường không thành được nghiệp lớn. Thói huyênh hoang, chưa bước đã động rừng trước sau gì cũng bại. Tài danh như Quan Vũ, nhưng kiêu ngạo, kết cục phép đà đao không cứu nổi được anh hùng.

Đêm khuya, trăng dâng đầy núi, giọng thầy tôi vẫn trầm tĩnh, đều đều: “Không rõ các trò nghĩ sao, nhưng với ta, kiếm pháp theo đuổi suốt đời này vẫn là nhuyễn kiếm. Trong tâm tưởng của ta, mọi sự giấu mình, khiêm cung, nhẫn nhượng không bao giờ là mưu chước. Ngược lại, đó là nẻo về nơi tĩnh tại của tâm hồn. Ở đó, ta luôn cầu mong tới một ngày nhìn thanh gươm mà không nhớ để gọi tên”.

Các huynh đệ chúng tôi năm xưa trên núi Bạch Mã mang câu thơ nhuyễn kiếm theo hành trang bước vào đời. Nhưng có mấy ai thấm được chữ “mềm” sâu xa ấy, những xung động của cuộc sống không làm cho lòng mềm lại mà khởi lên biết bao cơn sóng gió.

 

Gợi ý dành cho bạn