MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện dọc đường: O Mơ

ĐỨC LỘC LDO | 03/07/2017 06:23
O Mơ ở cạnh nhà mình. O lấy chồng xã bên, nghe đâu bị chồng đánh nên o trốn về, cùng bốn đứa con gái. O về làm một căn nhà nhỏ sát vách nhà mẹ đẻ - bà Hường.

Chuyện sẽ chẳng có gì nếu từ ngày bỏ chồng về nhà, o Mơ biết ăn vận, son phấn đẹp hẳn ra. Và lâu lâu người ta lại thấy o Mơ đi đâu biệt tích, chừng vài ngày, có khi cả tuần. Mỗi lần về lớp son phấn trên mặt o thêm dày, tóc thêm mượt, và mùi nước hoa - thứ hương xa xỉ với cái xóm nghèo hồi đó cứ sực nức trong gió.

Người ta đồn o Mơ cặp bồ.

Người làng mình là thế, quanh năm chân lấm tay bùn nên thấy ai mặc đẹp, xấc nước hoa thơm lừng trời thì rõ ràng “có vấn đề”. Nhưng chuyện o Mơ càng râm ran hơn, khi ngày đêm người ta thấy những chiếc xe máy rú ga ra vào nhà của o. Toàn thanh niên trai tráng.

Người xe như nước áo quần như nêm. Xóm vắng bỗng dưng có thêm những đêm náo nhiệt vì tiếng nẹt pô, tiếng cười nói của đám thanh niên lạ hoắc từ nhiều xã tìm đến.

Rồi nhiều đêm, ngoài tiếng xe chạy, mình còn nghe tiếng hô, tiếng la thất thanh vang lên từ nhà o Mơ. Sáng ngủ dậy nghe mẹ kể đêm qua có đám thanh niên đánh nhau. Ở quê mình, thanh niên đánh nhau chủ yếu để bảo vệ gái làng, như gái làng này mà trai làng khác qua cua là bị chặn đánh. Nhưng o Mơ già rồi thì ai cua mà chặn đánh?

Người ta bảo o Mơ làm gái.

Làm gái - ở vùng quê là một điều ghê gớm. Mình hồi đó chưa dậy thì, chưa biết internet, còn lơ tơ mơ chuyện này. Trong hình dung của mình, làm gái là đi làm ở một quán nước đèn mờ mờ như mấy người lớn thường kể. Chỉ đến đó thôi!

Vì ở sát nhau nên nhiều lần nhà mình bị nhầm thành nhà o Mơ. Có đêm đã tắt điện đi ngủ thì hai ba xe máy chạy ào vào sân, gọi: “Mơ ơi”. Mẹ mình phải lớn tiếng bảo đây không phải nhà Mơ, bên kia. Tiếng xe máy nẹt pô ầm ầm lao ra ngõ, chó nhà mình sủa, chó nhà bà Hiển cũng sủa, kéo theo chó mấy nhà bên sủa liên hồi không ngớt.

Người ta bảo o Mơ làm gái lắm tiền. Mình không biết nhưng thấy tay o Mơ đeo đầy nhẫn, vòng bằng vàng, bạc. Quần áo o mặc cũng khác, lấp lánh, đầy màu sắc và đặc biệt là ngắn, bóp lại để lộ một thân hình mà mình nghĩ đó là chuẩn của một người phụ nữ đẹp. Lâu lâu o sang nhà mình, đi đến đâu là sực nức hương nước hoa đến đó. Cái hương thơm mà đến giờ mình vẫn nhớ.

Người ta đồn rất nhiều về o Mơ. Toàn lời nói xấu. Mình chỉ nghe chứ chưa đủ lớn để hiểu những câu chuyện về o Mơ được bàn tán ra vào bên bếp lửa của những người lớn. Nhưng có một lần mà mình nhớ đến bây giờ. Đó là hôm mình cần tiền đóng học phí, mà nhà mình chẳng còn đồng nào, và chẳng thể vay ai được khi cả làng đều nghèo. Đúng hôm đó o Mơ sang chơi, đứng bên thành giếng nghe chuyện thì bảo mẹ mình “Ả lấy tạm tiền em cho thằng Lộc”.

Còn nhiều chuyện về o Mơ. Vẫn là toàn chuyện nói xấu, hoặc lời ra tiếng vào quanh chuyện nước hoa, vòng tay, tiền đâu ra lắm thế của o, nhưng lớn lên một chút mình chẳng cần nghe. Mình chỉ nghĩ đến chuyện o cho mẹ mượn tiền, và đó là số tiền mình đóng học phí, số tiền mà nếu không có, mình chưa chắc có ngày hôm nay.

O Mơ giờ chuyển đi chỗ khác, mình không gặp lại nhưng thỉnh thoảng vẫn nghe những câu chuyện về o. Mà bây giờ người ta đồn chuyện bốn đứa con gái của o.

Mình nghe, thầy buồn và thương o Mơ. Cuộc đời này, có phải lời nào gió thổi cũng bay đâu.

Gợi ý dành cho bạn