MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện dọc đường: Tấm bia thơ

Lê Thanh Phong LDO | 22/06/2017 16:25
Nguyễn Duy gọi điện: “Phong ơi, ngày mai khánh thành bia thơ kỷ niệm bài “Tre Việt Nam của mình, ra nhé”. Với bạn bè, một câu thế là đủ.
Đến Thanh Hóa đã thấy những gương mặt quen thuộc. Rượu quê, món ăn quê, người quê, nói năng chân tình một tình quê. Tôi thích cách Nguyễn Duy tiếp bạn bè, mỗi lần bày tiệc đãi bạn, anh rất chu đáo, đi lui đi tới, thủng thẳng thêm một vài gia vị, cái bát, cái thìa. Uống rượu với Nguyễn Duy, không chỉ thưởng thức món ăn phần lớn là do chính tay anh làm, rượu ngon, nghe anh đọc thơ, mà thích nhất là nhìn cái cung cách anh chăm sóc mọi người.

Nguyễn Duy sành rượu bạn bè ai cũng biết, lối thưởng thức rượu của anh rất tao nhã. Nhớ có lần tàn cuộc Whisky ở nhà anh, mọi người về hết, Nguyễn Duy kéo tôi ở lại: “Hai thằng mình làm thêm vài ngụm Cognac, nhắm một ít sô cô la đen. Cognac có cái hay ông ạ”. Thế là anh đi hâm nóng chai rượu, chậm rãi từng động tác. Rồi nhẹ nhàng bày từng miếng sô cô la lên bàn. Tôi có cảm nhận rằng Nguyễn Duy đang “uống” Cognac ngay lúc đang làm những công việc chuẩn bị đó. Sành rượu đâu cứ phải nốc từng chén vào mồm.

Hay có lần cả bọn ngồi uống chai rượu rất quý, trên bàn đã đủ thức ăn, Nguyễn Duy can mọi người khoan hãy ăn, cứ để miệng không thưởng thức rượu một lát sẽ cảm được hết cái ngon của rượu. Có mùi thức ăn sẽ làm hỏng vị rượu. Hôm tiếp bạn ngày khánh thành bia thơ, Nguyễn Duy đãi rượu ta và chọn những món ăn hợp với rượu ta ở quê. Không phải cứ rượu tây mới sang. Nguyễn Duy là vậy.

Tấm bia tạc bài thơ “Tre Việt Nam” đặt trong sân UBND phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa. Đây là lần đầu tiên có một nhà thơ được vinh danh bằng cách tạc thơ vào bia đá. Hôm ấy Nguyễn Duy vui lắm, anh giới thiệu nơi đặt bia là quê nội, phiến đá được đưa từ quê ngoại về, chữ viết bài thơ trên bia đá là bút tích của anh. Tấm bia đá hình búp măng rất đẹp đầy tính tượng trưng: “Măng non là búp măng non. Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre. Năm đi qua, tháng đi qua. Tre già măng mọc có gì lạ đâu”.

Đêm ấy, tại đình làng Quảng Xá, bằng hữu quê nhà tổ chức đêm thơ “Nguyễn Duy về làng”. Tham dự nhiều chương trình thơ, nhưng với tôi, đó là đêm thơ xúc động nhất, hay nhất. Hay nhất là khán giả, từ chiều, bà con trong làng đã có mặt chật sân đình. Có những cụ già chống gậy, có những mẹ, những chị, những thanh niên, thiếu nữ, thiếu nhi và có cả em bé được mẹ bế theo. Họ đến để nghe Nguyễn Duy, nhà thơ của làng mình đọc thơ. Lạ thật, khán giả đủ thành phần như thế nhưng rất trật tự, tuyệt đối im lặng để nghe thơ.

Tôi đã nghe Nguyễn Duy đọc thơ rất nhiều lần, nhưng đó là lần tôi cảm nhận rằng anh đọc hay nhất. Nguyễn Duy đọc thơ cho bà con làng mình nghe, những câu thơ viết về quê nội, quê ngoại cứ thả vào hồn người, buồn rơi nước mắt: “Ta đi mơ mộng trên đời. Để cha cuốc đất một đời chưa xong” (Về làng), “Ta đi trọn kiếp con người, cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa), “Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại. Dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi. Khi tôi biết thương bà thì đã muộn. Bà chỉ còn là một nắm cỏ thôi” (Đò Lèn).

Cảnh, người, quê làng của Nguyễn Duy và của bà con đang ngồi trước mặt tái hiện chân thật, thân thương, gần gũi. Cái tình làng nghĩa xóm, thương cha nhớ mẹ trong thơ anh làm đứt ruột người nghe.

Nguyễn Duy đọc thơ và khóc, quê làng nghèo trong thơ hay trong hiện thực cứ lướt qua tâm trí người nghe. Có những lúc anh nghẹn giọng, câu thơ đứt quãng. Không sao, thơ anh nhiều người thuộc, mọi người cứ thầm đọc theo. Có người thổn thức, có người kín đáo đưa tay áo gạt nước mắt.

Với tôi, tấm bia thơ của Nguyễn Duy không phải là phiến đá trong sân ủy ban, mà trong lòng những người yêu thơ.

Gợi ý dành cho bạn