MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bức tranh đầu tiên Đỗ Trung Quân vẽ hoa chuối từ cảm hứng Lưu Công Nhân.

Chuyện dọc đường: Với Lưu Công Nhân

Đỗ Trung Quân LDO | 05/06/2017 06:40
Tôi quen biết họa sĩ Lưu Công Nhân từ những ngày còn làm việc ở một tờ báo ở TPHCM. Ngoài viết, tôi còn minh họa cho truyện ngắn cuối tuần, việc minh họa của tôi được hiểu như “lính cứu hoả”, khi những họa sĩ cộng tác với báo bận rộn hay vắng mặt thì tôi đảm nhận “chữa cháy“ cho kịp ra báo, ngang xương tôi trở thành “họa sĩ”.

Lưu Công Nhân có lần nhắn nhủ “Quân, sao em không vẽ đi”, ý ông là tôi vẽ tranh ngoài minh họa báo. Một danh hoạ nhắn thế tôi càng không đủ tự tin, “chắc do cụ quý mình mà khích lệ”. Tôi toàn đi chơi mà quên hẳn cây cọ vẽ như ông nhắc.

Xem tranh ông triển lãm nhiều lần, ông thường chống ba toong im lặng đi phía sau khi thấy tôi dừng lâu trước một bức nào đó. Lúc tôi chào về đã thấy ông cuộn sẵn bức tranh đó dựng góc tường. “Quân mang về đi”. Tranh ông cao giá, tôi thật sự không dám nên chỉ “dạ”, rồi cố tình bỏ quên lại.

Năm 2006, tôi lên Đà Lạt thăm ông tại ngôi nhà cuối dốc. Ông cho tôi xem loạt tranh vừa vẽ, như lệ thường, ông lại chậm rãi đi phía sau tôi. Hàng chục bức nude, thuốc nước, sơn dầu chật cả căn phòng lớn. Tôi lướt qua rất nhanh, không dừng lại trước bức tranh nào dù trong bụng đã thấy nhiều bức quá đẹp, mình quá thích.

Ông dẫn tôi ra ngoài ngồi uống trà dưới giàn hoa móng cọp. Im lặng hồi lâu bỗng ông nói nhỏ, giọng hơi buồn buồn: “Loạt tranh này Quân không thích à?”. Tôi choáng cả người, té ra sự lịch sự, tự trọng của mình lần này nó gây tổn thương cho ông. Tôi không dừng lại lâu trước bức tranh nào chỉ để lại không phải vờ bỏ quên không mang về, nhưng ông nghĩ khác, ông không vui. Tôi hốt hoảng: “Không phải thế ạ! Chỉ vì phòng hơi tối, em không nhìn rõ”. “Thế sao không bảo tôi bật thêm đèn?”, ông nói.

Tôi chuyển vội câu chuyện sang đề tài khác, tôi phát hiện cuối vườn có hai cây chuối rừng đang ra hoa đỏ cam quá đẹp. Hoa chuối chưng lâu và vẻ đẹp của nó độc đáo, rất hội họa. Ông lại dẫn ra sau vườn đưa cho con dao to bản “Quân! Chặt xuống bỏ góc tường giúp tôi”. Lúc chia tay, ông bảo tôi mang hai hoa chuối về nhà chưng.

Vác hai hoa chuối như vác hai quả “B40“ lên dốc. Con dốc dài, cao. Ngoái lại hun hút tôi thấy ông vẫn đứng đấy, nón beret, áo khoác, chống ba toong nhìn theo. Tôi đưa hai tay ra dấu mời ông vào nhà, ông cứ nhìn theo thế làm sao đi cho nổi.

Đấy là hình ảnh cuối cùng của ông trong trí nhớ tôi.

Năm 2007, Lưu Công Nhân qua đời, ông chọn Đà Lạt làm nơi an nghỉ vĩnh viễn. Mộ phần của ông quay mặt nhìn ra đồi núi mênh mông. Nơi ấy mùa quỳ dại nở vàng rực viền dọc lối mòn quanh co vào nghĩa trang và tiếng thông ru ông vẫn rì rào những ngày cả gió.

Năm 2013 - bức sơn dầu đầu tiên tôi vẽ đấy là những bông chuối rừng đỏ rực để nhớ đến ông. 2014, có người mua bức tranh đầu tiên trong đời mình, tôi mua một chai rượu đến xin đặt trên bàn thờ, thắp hương khấn ông, cảm tạ một người đã từng ưu ái khích lệ một gã trẻ tuổi chưa từng có một ngày trong trường mỹ thuật “ Quân, em vẽ đi”.

Những ngày cầm cọ, màu sắc an ủi giữ vững tinh thần cho tôi ở một giai đoạn gian nan của đời mình. Tinh thần và sau là vật chất “cứ làm việc, làm việc đi rồi tiền sẽ đến”. Nhật ký của ông có một câu đại ý như thế khi anh Lưu Quốc Bình con trai ông cho tôi xem. Ông mất rồi, Bình thay ông lặng lẽ chăm sóc tôi thời kỳ đầu cầm cọ. Màu, toan, khung tranh anh cung cấp, mua tặng và một bức nude của Lưu Công Nhân được đích thân Bình mang đến, “Cụ tôi dặn gửi cho Quân”.

Nhớ đến ông là nhớ những điều tưởng nhỏ nhặt mà hoá ra rất lớn lao đối với một người trẻ tuổi sau ông: “Vẽ đi, làm việc, làm việc đi”.

Gợi ý dành cho bạn