MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Con sáo nhỏ

LÊ TUYẾT LDO | 16/06/2017 07:17
Tôi gặp lại con bé ở khu chợ cóc dành cho dân lao động ở vùng ngoại ô Sài Gòn vào chiều muộn. Thấy tôi, nó gọi lớn, vẻ mừng rỡ. Má nó, dáng tất tả, đi lại, trên mặt thoảng chút bối rối: “Cứ nghĩ đợt rồi về ở hẳn, đặng cho con Hằng đi học, nhưng tính tới tính lui, lại tha nhau lên đây”.
Hằng là tên con bé. Tôi gặp nó hồi năm ngoái, trong khu lán trại của nhóm thợ thuyền. Nó bảy tuổi, có thâm niên bốn năm sống lang bạt khắp các công trình xây dựng. Gia đình con bé giống như những gia đình thợ hồ từ miền Tây lên thành phố này mần mướn, mang cả cha mẹ, con cái đi cùng, sống trong những mái lán tạm bợ mấy mét vuông, chằng chống tứ phía. 

Ở đó, người khỏe đi làm, người già ở nhà nấu cơm, con nít đi nhặt ve chai, vạ vật quanh lán trại, bốc đất cát làm trò vui. Gia đình con bé còn mang theo một đàn chó bọ, con nào cũng có tên. Người và chó ở chung. Người thiếu thốn đủ thứ nhưng chó thì được tắm dầu gội, uống sữa bịch mỗi ngày. Con bé cười tít mắt, bế chó hôn hít: “Lớn nhanh rồi theo chị về quê”.

Tôi hỏi: “Hằng biết chữ không?”. Con bé không trả lời mà nhìn má nó. Cái nhìn của nó khiến đôi mắt má nó giật giật làm mấy nếp nhăn nơi khóe mắt xô lại, khuôn mặt nám đen khiến bà như như già đi cả giáp so với tuổi bốn mươi của mình: “Tui định xong cái nhà này, lãnh tiền rồi về quê ở hẳn. Tui sẽ kiếm trường gửi nó đi học”.

Không biết đây là cái nhà thứ bao nhiêu má nó đem làm cam kết với nó chuyện về quê đi học, chỉ biết tới giờ, một chữ bẻ đôi, nó cũng không biết. Con bé có chị gái làm công nhân ở Thủ Đức, đặt một đôi dép cho nó có đủ hai chữ “DIỄM HẰNG”, con bé chìa đôi dép ra khoe: “Đây là tên con”.

Tôi cho con bé tiền dặn đi mua tập về tô để quen mặt chữ. Má nó gạt đi: “Ở cái xóm mần mướn này, mua rượu thì dễ, mua tập dễ gì”. Nó chống chế: “Vậy lấy tiền mua sữa cho em Ki uống nhanh lớn đặng về quê”.

Tôi rủ con bé ra đống cát công trình, san mặt cát làm bảng, dạy nó đọc mấy chữ O, A, C, BA, CA… Con bé sáng dạ, chỉ qua một lần là nhớ. Tôi xé mấy trang trong cuốn sổ ghi chép của mình, viết mẫu mấy chữ, đưa nó. Tôi hứa: “Lần sau cô lên sẽ mua vở tập tô, chì màu”. Con bé vui ra mặt, dặn kỹ: “Cuối tuần này con về quê ăn đám hỏi của chị. Xong là con lên liền. Cô mang tập cho con nhé”. Tôi ừ nhưng phải hơn tuần sau tôi mới ghé.

Nó đang nghịch ở đám rau muống, thấy tôi nó ù té chạy đi rửa mặt, kéo vạt áo lau khô đôi bàn tay rồi đón lấy mấy cuốn tập. Nó lục tung trong đống đồ, cầm mấy trang sổ hôm trước, khoe: “Con viết xong rồi. Gió làm bay mất mấy tờ nên con phải cất kỹ”. Nhanh nhảu, nó kéo cái thùng xốp - tủ lạnh dã chiến của má, kê lên, cắm cúi viết.

Nhìn con bé, má nó bảo: “Tuần sau cả nhà tui về. Lần này quyết về hẳn. Mang đàn chó về luôn. Trước là lo cái đám cưới cho con chị. Sau đặng cho con Hằng đi học…”.

Sau lần cả người và chó kéo về quê ấy, chiều nay tôi lại gặp hai má con ở khu chợ lao động này. Má nó giọng buồn so: “Quê tôi bây giờ lúa không trồng nổi vì nước mặn lấn tới mép nhà. Cả ấp, cả xã đều dắt díu nhau đi Sài Gòn hết. Thất học chỉ làm mình dốt nhưng không chết, còn không có việc, không có tiền là chết ngay”. Nói rồi bà nắm tay con bé dắt đi. Nó nhảy chân sáo, nói như hét: “Con tô xong mấy cuốn tập rồi. A, con đã viết được tên con chó Kiki rồi cô nhé!”.

Tôi đứng trông theo bóng hai mẹ con đổ dài trong nắng chiều. Không biết ngày nào con sáo nhỏ kia mới tìm được ngôi trường trong cuộc đời phiêu bạt.

Gợi ý dành cho bạn