MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Trần Ngọc Lương. Ảnh: TNVN

Tản mạn: Người không đến

TẠ BÍCH LOAN LDO | 15/06/2017 06:30
Bác sĩ Trần Ngọc Lương đứng trước ống kính hơi run. Tôi nghĩ người từng trải, tự tin như ông mà run thì thật lạ. Hình như ông đang mong chờ ai đó.

Bác sĩ Lương là người duy nhất đến nay của Việt Nam có phương pháp mổ mang tên mình (Dr Lương) - phương pháp mổ nội soi tuyến giáp được đánh giá là có nhiều ưu điểm nhất hiện nay của ngành ngoại khoa. Nếu trước kia mổ mở mất nhiều máu, dễ chạm vào đôi dây thần kinh gây biến chứng là nói khàn và chân tay tê, mất hai giờ mỗi ca mổ, thời gian xuất viện 7 ngày, thì giờ đây “Phương pháp nội soi Dr Luong” với những ưu điểm vượt trội: Mất ít máu, thời gian thực hiện nửa giờ, không bị biến chứng, sau 2 ngày bệnh nhân đã ra viện và chi phí rẻ hơn từ ba mươi tới bốn mươi lần.

Đặc biệt dụng cụ mổ đơn giản nên các bác sĩ tuyến huyện cũng có thể thực hành. Ông đã dạy cho hơn hai trăm sáu mươi giáo sư, tiến sĩ nước ngoài đến Việt Nam và đi dạy cho các bác sĩ của gần ba mươi nước trên thế giới .

Những phụ nữ từng mổ mở trước đây không tránh được sẹo quanh cổ. Họ luôn phải tìm dây đeo hoặc khăn quàng để che đi. Giờ với “phương pháp Dr Luong”, cuộc phẫu thuật chỉ để lại hai vết sẹo nhỏ chừng một cm ở vùng nách và ngực nhìn ngoài không thể biết.

Lan Anh, cô giáo có dáng dấp nhẹ nhõm, dạy văn trường PTTH Thăng Long Hà nội, người từng được ông mổ cho hai năm trước, cần cổ vẫn mịn màng không mảy may tì vết. “Có xem nách em không? Chỉ có tí tẹo ở đó thôi”. Lan Anh hồn nhiên khoe với chúng tôi khi mang hoa đến Cung Việt Xô tặng bác sĩ Lương ở Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến 2017. Nhưng cô không phải là người ông mong chờ.

Ông thầm mong một phụ nữ khác. Cứ mỗi tháng một lần, cô ấy nhắn cho ông những dòng tin làm ông mất ngủ. Câu chuyện đã kéo dài nhiều năm.

Và hôm nay ông thầm mong cô đến. Như mong một giấc mơ cứu chuộc.

Vì ông biết ở đâu đó cô vẫn đang dõi theo ông. Cô không bỏ qua bất cứ sự kiện nào trong cuộc sống của ông. Vì cô ông mất ăn mất ngủ, mỗi tháng một lần.

Hôm nay ông mong cô đến.

Nếu như cô đến, ông sẽ khóc, ông luôn bật khóc khi nghĩ đến cô năm năm qua. Nếu như cô nghe ông nói một lần thôi, ông sẽ thấy dịu lòng. Nhưng hình như cô chẳng hề bận tâm về vết thương ông đã mang từ ấy.

Gánh nặng này ông sẽ còn mang đến hết đời nếu cô không nghe ông nói một lần.

Đó là lí do vì sao đôi vai ông rũ xuống và ánh mắt ông khổ sở trước ống kính truyền hình.

Ông đã nói ra câu chuyện đó cho tất cả mọi người. Các đại biểu, chính khách, đồng nghiệp, phóng viên báo chí truyền hình, trong nước, quốc tế, truyền hình trực tiếp...

Ông đã cắt “nhầm” tuyến giáp của cô, do chẩn đoán ung thư dương tính giả trước mổ.

Vài tháng cô lại phải đi cấp cứu vì sự hành hạ của di chứng tê tay chân. Lại những dòng tin oán hờn.

Ông lưu giữ tất cả những tin nhắn đó như thứ mật đắng dành cho riêng mình. Hôm nay ông đã nói ra. Cho dù người phụ nữ ông mong không đến.

Ông là bác sĩ Trần Ngọc Lương, Thầy thuốc nhân dân, Giám đốc bệnh viện Nội tiết Hà nội, được tuyên dương tại Hội nghị điển hình tiên tiến 2017.

Gợi ý dành cho bạn