MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một sớm tinh mơ ở “cầu Rồng” (cầu Long Biên, Hà Nội) - Ảnh: Nguyen Trung Anh.

Tiếng thở dài của cầu

Hà Văn LDO | 08/08/2017 14:00
“Hà Nội có cầu Long Biên - Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng - Tàu xe đi lại thong dong - Bộ hàng tấp nập gánh gồng ngược xuôi - Suốt ngày cầu nhộn nhịp vui - Dưới cầu nước chảy xanh ngời bãi ngô”. Bốn câu thơ - ca dao này chuẩn đến mức tôi không dám viết thêm gì về cây cầu vắt qua 3 thế kỷ, cùng tác giả với tháp Ep-phen.
Nhớ năm Mỹ leo thang ném bom Hà Nội, mục tiêu chủ yếu nhằm phá cầu Long Biên để cắt tuyến đường sắt viện trợ của “phe XHCN”, chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc cho Việt Nam đánh Mỹ. Lúc đó tôi là phóng viên báo Lao Động vinh dự được đeo chiếc thẻ của Thành ủy Hà Nội cấp, được phép hoạt động trên đường phố khi có còi báo động tất cả phải xuống hầm, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu!
Tôi đạp xe ra Long Biên. Thời ấy, cầu trúng bom, gãy đổ vài nhịp. Lập tức cầu phao Chương Dương được bắc ngay để đảm bảo giao thông và công nhân cầu đường khẩn trương vá cầu. Vài ngày sau xe lửa lại xì khói (động cơ hơi nước) và kéo còi rền vang hùng dũng qua cầu.
Đã 50 năm rồi cầu Long Biên vẫn là một “thương binh” oai hùng “tàu xe đi lại gánh gồng ngược xuôi”. Không hiểu sao chúng ta đã bắc hàng trăm cây cầu mới, có cây cầu còn phun ra lửa (cầu Rồng - Đà Nẵng). Còn Long Biên vẫn như anh thương binh ngày đêm vẫn “lao động” như một tráng binh lành lặn?
Một ngày gần đây tôi chọn lúc hoàng hôn đi bộ qua cầu. 1.800m đi và lúc về cũng 1.800m. Ban đêm cầu Long Biên trở thành một cái quán nước dài nhất thế giới. Nước trà đá, cà phê và đặc biệt là mùa hè ngô luộc, mùa đông ngô nướng. Khách hàng ngồi la cà đến nửa đêm... Gió sông Hồng thổi nhè nhẹ, trong cái nhè nhẹ ấy có nghe tiếng thở dài của cây cầu: Vì sao đã bước sang thế kỷ 21, hơn trăm năm rồi mà chẳng ai “nhớ” làm gì cho cây cầu? Và “anh thương binh” Long Biên vẫn lặng lẽ “phục vụ nhân dân” như thế...

Gợi ý dành cho bạn