MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một con ngõ Hà Nội (nguồn: tienminhland.com).

Từ nhà ra ngõ

đỗ phấn LDO | 08/11/2017 07:00
Những con ngõ luồn lách lắt léo trong nội thành Hà Nội phần lớn là của chung. Chỉ thỉnh thoảng có một vài căn biệt thự cổ trong phố do gia chủ đến hồi lụn bại mới phải mang bán bớt phần diện tích phía sau nhà chính. Dĩ nhiên đi kèm với nó phải có một con ngõ riêng cho chủ mới sử dụng. Những con ngõ dạng này được chủ mới chăm sóc quét dọn hàng ngày. Những con ngõ chung không may mắn được như thế. Chỉ cần một gia đình trong ngõ có lối sống cẩu thả bừa bãi thôi là lập tức nơi ấy trở nên nhếch nhác kinh người.

Như trong một gia đình đông con bao giờ cũng nảy nòi ra một đứa khó bảo. Cả nhà phải chịu đựng. Bằng cách coi như ông giời lấy lại công bằng, không cho ai tất cả. Đứa trẻ hư ấy cũng như một gia đình bầy hầy trong ngõ. Ngõ nào cũng có. Cả ngõ phải chịu. Chẳng ai muốn dây. Thường thì họ là những người ít học. Do không học được chứ không phải không được học. Nhưng có một điều rất lạ. Nhìn vào trong nhà họ thì thấy cũng không đến nỗi nào. Nghĩa là nhà cửa vẫn sạch sẽ lau li. Chỉ bắt đầu bẩn thỉu bừa bãi từ chỗ để guốc dép hắt ra ngoài ngõ.

Hà Nội cũng mới có phong trào lau nhà sạch và để guốc dép ngoài cửa từ sau ngày tiếp quản 1954. Những ngôi nhà lớn một chủ thường thì phòng khách tầng dưới dù có lau sạch bóng cũng không ai để giầy dép ngoài cửa. Đó là lối sống lịch lãm cuối cùng còn rất ít nhà giữ được. Những ngôi nhà khác chia năm sẻ bảy không có đủ diện tích để chia căn hộ ra thành những chức năng riêng biệt. Phòng khách cũng chính là phòng ngủ và phòng ăn. Nó buộc phải luôn sạch sẽ. Bằng cách lau kỹ và để giầy dép ở ngoài. Sàn nhà ấy mùa hè sẽ biến thành chiếc giường ngủ. Làm gì có ai được phép đi guốc lên giường bao giờ.

Lối sống bắt khách tháo giày để ngoài cửa không ngờ được lan truyền và bám rễ rất sâu vào đời sống của thị dân. Dù những căn hộ chung cư bây giờ diện tích lên đến cả trăm mét vuông và có hẳn phòng khách riêng biệt thì cũng chưa thấy ai đi giầy vào nhà. Chẳng hiểu sao lại thế. Khách khứa đến chơi dù bà chủ chạy ra đon đả mời các bác cứ đi cả giầy vào thì cũng chỉ là chiếu lệ mà thôi. Khách về nếu ông chủ biết điều thì hãy nhanh chóng lấy cây lau nhà ra cọ khẩn cấp. Chậm một tí thôi là nét mặt bà chủ có thể mất kiểm soát về cân nặng. Thói quen này chẳng hề văn minh tí nào. Thực ra nhiều ông khách khi tháo giầy ra còn kinh hơn nếu như ông ấy cứ để nguyên giầy ở chân.

Nhà trong ngõ hiếm khi thấy có người cầm chiếc chổi ra quét ngõ. Bởi vì không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc ở chỗ nào. Đám người bừa bãi nhiều khi còn chửi đổng không khiến quét. Hoặc tệ hơn họ sẽ vứt thêm rác ra ngõ. Chó mèo nuôi thả rông sẽ biến con ngõ thành cái toilet bất cứ lúc nào. Chẳng sợ ảnh hưởng gì đến mình là bởi nhà họ khách khứa đã phải để giày dép ngoài cửa cả rồi. Hà Nội những năm cuối cùng của kinh tế bao cấp còn có nạn ăn trộm giày dép người ta để ngoài cửa. Lũ trộm làm những chiếc que men tường câu trộm giày dép khá nhiều. Thương nhất những chị em đi guốc đi dép đế cao chót vót. Mất dép đành phải xắn quần đi chân đất về nhà. Lúc ấy rất ít người có đến hai đôi dép cùng một lúc. Mượn dép chủ nhà ra về thì cũng phải đạp xe quay lại trả ngay khi mua được dép mới. Xem ra để giày dép ngoài cửa là nguồn cơn của khá nhiều tệ nạn.

Thành phố dù xây dựng to đẹp đến đâu thì cư dân trong ngõ vẫn luôn chiếm đa số. Họ gồm đủ các thành phần và gần như rất khó thay đổi được chỗ ở của mình. Thay đổi của họ chỉ là bán chỗ ở ngõ này để chuyển sang một ngõ khác. Hiếm người nâng cấp lên được đến tầm chung cư dù phải ra xa trung tâm thành phố. Và chung cư cũng chỉ là một cách trả tiền chậm khá đắt đỏ. Nó sẽ là tiền xăng xe và sức khoẻ bỏ ra khi mỗi buổi sáng tắc đường hàng giờ để đi vào trung tâm thành phố. Sẽ chẳng có ai ở trong ngõ nhỏ phải tha về nhà cả thùng mì ăn liền làm gì. Vài bước chân ra phố cứ hai gói một mà mua. Chợ búa ăn uống ngày nào mua ngày ấy. Tủ lạnh bé cho đỡ chật nhà.

Nhưng những gia đình bầy hầy trong ngõ không bao giờ hết. Dù có thể làm ăn phát đạt hơn họ cũng không muốn rời con ngõ ấy. Hình như lối sống bừa bãi bẩn thỉu cũng là một đặc ân thượng đế ban cho họ. Đến chỗ ở mới chắc gì còn được bầy hầy như thế. Cho nên những người muốn bán nhà trong ngõ mình đang ở bao giờ cũng có thêm câu chào “Khu vực dân trí cao”. Đây là lời quảng cáo không thể nào kiểm chứng. Và cũng không có gì đáng gọi là một giá trị. Bởi vì bằng cấp để chứng tỏ dân trí người ta có thể mua được nó dễ dàng. Kể cả bằng cấp thật như ông giáo sư đập xe ôtô chắn cửa nhà mình đi chăng nữa thì cũng vẫn nhăng nhố hỗn hào như dân trí bình thường.

Chỉ vài bước chân từ trong nhà ra ngoài ngõ thôi, người Hà Nội đã đánh mất đi nếp sống văn minh khiêm nhường từ lúc nào chẳng biết!

10-2017

Gợi ý dành cho bạn