MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Áo lụa Hà Đông

hà văn LDO | 05/11/2017 07:00
Trên một tờ báo loại bán chạy ở Hà Nội có tít bài: “Vỡ mộng kinh hoàng về một đế chế tơ lụa” nói về việc ông chủ Khải Silk bị “bóc mẽ” quả tang “treo đầu lụa ta, bán khăn TQ”. Tôi tự hỏi: Khăn lụa TQ chả nhẽ là lụa dỏm? Hỏi xong tôi nhớ đến 3 câu chuyện.

Chuyện 1: Vợ chồng chú em đi du lịch “Trung Hoa lục tỉnh” lúc về mua đủ các loại tơ lụa, cả chăn tơ tằm. Bà xã tôi (đã đi TQ) bèn rút một sợi tơ hơ vào chiếc bật lửa đốt thử. Sợi tơ không cháy khét như tơ tằm mà sun lại một cục - tơ nilong! Vợ chồng chú em điếng người vì riêng khoản tơ TQ đã tốn cả chục triệu.

Chuyện 2: Ở Việt Nam trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ khá phổ biến. Riêng lụa Hà Đông (làng Vạn Phúc – nay thuộc Hà Nội) là được ca ngợi. Sài Gòn xưa có bài hát: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát - Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Nhìn đã thấy mát, siêu!

Chuyện 3: Hơn 50 năm trước tôi có làm phụ trách thiếu niên của trường PTTH Vạn Phúc. Hồi ấy làng vẫn có người trồng dâu bên bờ sông Nhuệ, nuôi tằm, dệt lụa và bán khăn áo lụa. Cả một phố lụa là. Nhưng rồi nghề dâu tằm teo tóp, nghe nói “phố lụa” cũng chẳng còn sầm uất như xưa. Một hôm có một phóng viên báo LĐ nộp cho tôi biên tập bài điều tra: Lụa Hà Đông không còn! Một chủ hàng thật thà nói: Giờ đâu còn lụa ta, chúng tôi nhập lụa TQ về bán thôi. Bài báo đăng, cũng không có ấn tượng gì lắm với công luận. Nhưng ngày hôm sau hay tin dân làng đã đốt sạch cơ ngơi ông chủ hàng thật thà nói với nhà báo. Tôi cũng lặng lẽ ngậm miệng đến ngày nay. Thỉnh thoảng tôi mặc chiếc áo lụa Hà Đông đến tòa soạn. Chả thấy ai khen, áo nào cũng chỉ là chiếc áo thôi. Nhân chuyện Khaisilk kể ra để bạn đọc tham khảo. Tôi cũng quên tên anh phóng viên, đã mấy chục năm rồi, bao nhiêu nước chảy dòng Nhuệ Giang qua làng Vạn Phúc...

Gợi ý dành cho bạn