MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bà mẹ trung du

NGÔ MAI PHONG LDO | 24/07/2017 06:30
Chuyện này, trung sĩ Tạ Quang Sao kể lại...

Chú “Bít - tất - thối”, biệt danh em út của tiểu đội chúng tôi bị găm trong đầu một mảnh đạn pháo, mất trí nhớ suốt gần bốn mươi năm, không ngờ vào những ngày cuối đời bỗng dưng choàng tỉnh, đã vẽ lại chi tiết khu mộ chí 5 người trong đó có anh, đơn vị buộc phải để lại bên bờ sông Vàm Cỏ trong cuộc giao tranh khốc liệt, tiến về Sài Gòn.

Chị kể, không biết bao nhiêu lần gặp nhau, em hỏi anh ở đâu, anh ấy chỉ cười cười. Duy nhất có một lần lúc nửa đêm về sáng, khi em vừa mơ mơ chợt nghe tiếng thì thầm ngay bên tai “anh ở Bến Sỏi”. Rõ ràng là giọng chồng mình, em ngồi phắt dậy, mười mươi em không mê. Nhưng Bến Sỏi là đâu?

Là đây, cái bến đò nối hai bờ tây - đông sông Vàm Cỏ giờ chỉ còn dấu tích.

Chúng tôi đã tìm anh không dưới ba năm. Đã có lúc định cầu đến nhà ngoại cảm, nhưng đất nước này phải cầu tới bao nhiêu nhà ngoại cảm cho vừa? Lại thôi.

Vào buổi chiều cuối cùng, khi cả nhóm đang nằm ngồi vạ vật bên triền sông tính chuyện mai về Bắc bỗng một con bìm bịp xuất hiện. Nó bay lướt qua đầu mọi người rồi đậu lại trên đỉnh bụi dừa nước um tùm cách đó chỉ chừng mươi bước chân. Con chim cất tiếng kêu vang vọng khiến không ai có thể vô tình. Con trai anh là người đầu tiên chạy tới. Con bìm bịp nhìn nó trân trân, hồi lâu mới bay đi. Chúng tôi đổ lại. Hóa ra dưới vòm lá vươn dài ra mặt nước là một gò đất rộng, lục bình khô kết thành mảng phủ bên trên. Giữa gò nhô lên một chỏm đá nhám cỡ ông đầu rau - vật dấu y chang chú Bít - tất - thối mô tả. Bức chúc thư nhàu nát lại được giở ra: “Tiểu đội trưởng của chúng ta nằm giữa, đầu gối trên một báng AK gãy...”. Chúng tôi ôm nhau, mừng tê tái.

Cuộc khai quật tiến hành trong đêm dưới lửa đuốc rừng rực của bà con Bến Sỏi. Xong xuôi. Chúng tôi chỉ được phép nhận riêng anh. Bốn đồng đội còn lại huyện đón về nghĩa trang liệt sĩ thuộc Châu Thành.

Xe chạy suốt ba ngày hai đêm không nghỉ mới về tới ngôi làng trung du quê anh.

Xã đã dựng rạp chuẩn bị lễ truy điệu. Nhưng theo ý mẹ anh, anh phải được về nhà.

Mẹ mặc áo lương, vấn khăn đen như ngày lễ trọng. Mẹ đã sang tuổi 85, mắt tự dưng sáng ra, tóc đen trở lại, đi đứng không cần gậy.

Chị, con dâu và cháu nội đều mặc đồ tang. Bên giếng nước sau vườn đã quây sẵn một nhà bạt để tắm rửa cho anh trước lúc vào nhà.

Vò rượu và nước thơm pha sẵn được mang ra, mẹ đứng bên nhìn chị tắm cho anh, chăm chú.

Chị tắm từ phần đầu. Đang kỳ cọ, đôi tay bỗng rời rã. Chị chằm mặt xuống đầu gối khóc nấc lên: “Mẹ ơi...”.

Mẹ đỡ chị đứng lên: “Mẹ biết rồi. Ngồi tạm ghế kia đi, để mẹ làm”. Mẹ chậm rãi cọ rửa chiếc cằm đầy đặn và hai hàng răng trắng ngà, vuông vức của anh. Khi mẹ đã bọc anh ngay ngắn trong hai lớp lụa đỏ chị lại òa lên, lăn lộn trên chiếc ghế nhỏ: “Sao con khổ thế mẹ ơi!”. Mẹ nhìn chị sắc lạnh như thôi miên. Khi cảm thấy chị đã thực sự dịu lại, mẹ nói chỉ đủ cho hai người, rằng mẹ chăm con trai mình từ lúc lọt lòng sao không biết khuôn mặt nó thế nào. Nhìn hàm răng nguyên vẹn của người liệt sĩ này, mẹ đã hiểu có sự nhầm lẫn. Vì con trai mẹ có một chiếc răng bạc. Chính mẹ cho tiền nó làm lại từ khi con chưa làm dâu.

Trước khi đặt bọc lụa lên chiếc bàn bài vị chính cửa lớn hướng vào bàn thờ gia tộc, mẹ lại dặn chị: “Người này và chồng con đều bỏ mình vì nghĩa lớn. Cả hai chẳng ai muốn thế này. Con khóc gì cũng đừng làm chúng nó thêm đau lòng”.

Chị hiểu, chính mẹ cũng đang đứt từng khúc ruột.

Gợi ý dành cho bạn