MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ bát đĩa thông dụng ngày nay viền kim sứ (nguồn: suminhchau.vn).

Bát đĩa của người Việt

đỗ phấn LDO | 15/10/2017 06:54
Cứ theo những dấu tích khảo cổ học thì người Việt dùng bát đĩa từ thời Phùng Nguyên cách chúng ta khoảng 4.000 đến 3.500 năm. Dù hình dáng, kích thước, màu men và kỹ thuật gốm sứ qua các thời kỳ lịch sử có nhiều đổi khác nhưng để nhận dạng chúng theo công dụng cũng không quá khó khăn. Người ta còn có thể suy luận ra đồ ăn thức uống đương thời, thậm chí cả những nghi thức cúng bái của tổ tiên thông qua bát đĩa. 

Với người Việt thì bát đĩa trong nhà không chỉ có công dụng là đồ dùng hàng ngày. Đôi khi nó còn là của gia bảo truyền đến đời con cháu lâu dài hàng thế kỷ. Người Việt cho đến tận đầu thế kỷ này vẫn chưa có khái niệm một chiếc bát, chiếc đĩa cũ kỹ đến mức phải vứt đi. Nó chỉ chính thức ra khỏi nhà khi đã vỡ. Điều này khác hẳn với Châu Âu và Mỹ. Người ta thường bỏ đi những bát đĩa đã dùng lâu ngày bị mòn xước bề mặt men dù còn lành lặn nguyên vẹn.

Những năm chiến tranh vắt qua thời kỳ bao cấp ở miền Bắc, bát đĩa được bán phân phối theo bìa mua hàng gia đình. Sang trọng thì có bát đĩa của Nhà máy sứ Hải Dương. Bình dân hơn thì bát đĩa của các lò thủ công ở Bát Tràng, Quảng Ninh. Độ sang trọng và bình dân có thể bằng mắt thường mà phân biệt được. Đại khái bát nhà máy sẽ không có đường ve lòng trong đáy bát. Hình hoa trang trí dán bằng đề can nghìn chiếc như một. Bát thủ công được nung đốt với công nghệ lạc hậu và để tiết kiệm than củi người ta buộc phải ve lòng bát một vòng tròn lấy hết lớp men đã tráng. Chân bát cũng được cạo sạch men để xếp thành chồng cao trong lò mà không bị dính.

Bát đĩa nhà máy ít kiểu dáng không phải do nhu cầu của người dùng. Công suất của Nhà máy sứ Hải Dương do Trung Quốc xây dựng lúc ấy cũng còn nhỏ. Nó lại được đặt nằm cạnh đường sắt xe lửa cho nên bát đĩa mới tạo hình từ đất cao lanh còn ướt thường xuyên bị rung động méo mó. Cố gắng để sản xuất đủ bát đĩa cho yêu cầu tối thiểu của người dân cũng là khó khăn lắm rồi. Người ta phải tập trung vào sản xuất bát ăn cơm, bát ôtô đựng canh và vài cỡ đĩa đựng thức ăn mà thôi.

Bát đĩa thủ công có nhiều kiểu dáng và kích cỡ khác nhau đáp ứng mọi yêu cầu của người dùng. Bát ăn cơm nhiều cỡ chia làm mấy loại có hình trang trí vẽ tay bằng men lam hoặc để trơn. Hàng chục loại đĩa có kích thước và độ nông sâu khác nhau thuận tiện cho việc sử dụng. Bát to đựng đồ ăn nước cũng nhiều loại. Chiếc bát chiết yêu dung tích còn nhỏ hơn bát ăn cơm dành cho các bà bán bún ốc, bún riêu ngoài chợ. Bát này miệng loe rộng nhưng trôn bát thu lại nhỏ xíu. Đã thế trên thành bát còn thắt lại một khúc càng làm giảm dung tích của nó. Người bán bún dùng bát này như một phép ăn gian thị giác làm cho người mua cứ ngỡ mình vừa được ăn một bát bún đầy đặn to nhưng thực ra không phải thế.

Bữa ăn gia đình Hà Nội sẽ bao gồm cả những ngày giỗ tết. Đó là lúc người ta mang ra những bát đĩa sứ Giang Tây sang trọng để dùng. Phần lớn những bát đĩa sang trọng này được người ta sắm sanh từ thời thuộc Pháp. Những mâm cỗ tám bát, tám đĩa hoặc nhiều hơn gần như được tính toán chính xác bằng những bát đĩa kích thước cố định cho từng loại thức ăn. Đĩa đựng thịt gà và nem rán bao giờ cũng to nhất. Giò, chả sẽ bày vào chiếc đĩa chỉ vừa với khoanh giò cắt ra. Rau dưa xào xáo sẽ đựng vào đĩa sâu lòng cho khỏi tràn nước. Xôi và cơm nóng có những đĩa bát chuyên dụng. Món ninh, món mọc, món miến đựng vào bát ô tô rộng miệng khi ăn mới chan nước.

Cỗ bàn ở nông thôn thường dùng những bát đĩa có kích thước nhỏ hơn ở thành phố. Bát chiết yêu được sử dụng rất nhiều. Đơn giản vì cỗ bàn nông thôn thường làm vài chục mâm mời cả họ đến ăn trong khi túi tiền không được dư dả cho lắm. Tuy nhiên kích thước bát đĩa cỗ bàn nông thôn cũng có luật bất thành văn nhưng ai cũng tự giác chấp hành. Bát đĩa to và sang trọng quá bị dân làng cho là chơi trội. Bát đĩa bé hơn thông lệ bị chê là bần tiện bủn xỉn.

Những năm chiến tranh ác liệt, sản xuất bị đình đốn. Bát đĩa thiếu nghiêm trọng. Đi mừng đám cưới mà có chục bát ăn cơm Bát Tràng đã là đặc biệt sang trọng dù không có cái bát nào tròn. Vợ chồng cãi nhau trước khi định đập mâm cơm bao giờ cũng cẩn thận thu dọn hết bát đĩa ra ngoài. Chỉ đập chiếc mâm không lấy tiếng kêu mà thôi. Trên tàu điện và bến xe Hà Nội lúc ấy có những người bán keo gắn bát đĩa vỡ. Nhiều gia đình phải mua về để tái sử dụng những bát đĩa vỡ của mình. Người bán quảng cáo bằng cách đốt lửa cho chảy keo dán vào mảnh bát vỡ. Chờ vết dán nguội đi là dang tay đập thẳng xuống vỉa hè. Mảnh bát sẽ vỡ sang chỗ khác mà vết dán vẫn còn nguyên. Nhiều người mua về gắn bát vỡ múc nước rau muống luộc vào bưng lên vẫn vỡ như thường. Cuối cùng thì phát hiện ra người bán keo dán là một tay ảo thuật lành nghề. Hắn ta thậm chí có thể đập một mảnh bát vỡ vào đúng những vị trí như mong muốn.

Bát đĩa giờ đây đã quá dư thừa tha hồ chọn lựa. Cũng chẳng ai còn nâng niu cất giữ những bát đĩa trong nhà như bảo vật. Thành ngữ “Nghèo đến không có cái bát mà ăn” rất lâu rồi không còn ai dùng nữa.

10.2017

Gợi ý dành cho bạn