MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Cây cột điện trên phố Hà Nội” - phác thảo của họa sĩ Singapore Teoh Yi Chie.

Bí mật chiếc cột đèn

Đỗ Phấn LDO | 20/08/2017 06:30
Vài thành ngữ ra đời hồi chiến tranh mà người Hà Nội cần phải có một tuổi đời nhất định mới biết. Đại khái “Mặt nghệt như mất sổ gạo” nói về việc mất mát những món đồ tối quan trọng. Hay “Sông Cầu là đầu câu chuyện” nói về việc giao tiếp làm ăn xin xỏ lúc ấy rất cần bao thuốc lá Sông Cầu để vào chuyện cho trơn tru.

Thành ngữ “Đứng đắn như cột đèn đầu đường” chỉ là câu nói vui dành cho những người ăn mặc chỉn chu ngay ngắn giữa lúc đã bắt đầu có những du nhập thời trang hiện đại được cho là kém ngoan.

Dĩ nhiên cột đèn hay cột điện chỉ có thể ra đời khi Hà Nội bắt đầu có điện lưới. Đó là vào năm 1892 người Pháp cho xây dựng nhà máy nhiệt điện đầu tiên với hai tổ máy 500KW nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm trên đường Đinh Tiên Hoàng bây giờ. Trước đó dễ hình dung ra đường phố Hà Nội thắp sáng theo cách ai ra đường ban đêm thì tự cầm chiếc đèn dầu của mình mà đi.

Khi nhà máy điện Yên Phụ được xây dựng vào quãng 1925-1932 điện lưới mới được dùng rộng rãi trong thành phố. Những phố mới qui hoạch lại đều có hạng mục trồng cây và cột đèn thắp sáng. Chiếc cột lúc ấy vừa dùng để chạy dây truyền tải điện và cũng dùng để mắc bóng đèn thắp sáng ban đêm. Người Hà nội lưu hành hai cách gọi cột đèn và cột điện là vì thế.

Chiếc cột điện đơn sơ đứng thẳng giữa đường phố đã hơn một thế kỷ mang trên mình nó bao nhiêu là ký ức của một Hà Nội đổi thay từng ngày. Ban đầu chúng được dựng theo một qui tắc bất biến của ngành điện. Trên những con phố là hai hàng cột điện đối xứng nhau trên vỉa hè hai bên để người ta có thể chăng cáp qua đường mắc chiếc bóng đèn vàng khè chiếu sáng vào giữa tim đường nhựa.

Khoảng cách giữa hai cột điện trên hè khoảng 30m đều nhau tăm tắp cũng có ý nghĩa để cho bóng đèn mắc giữa đường có hai vùng sáng chạm nhau trên mặt đất. Khoảng cách này chính xác đến nỗi trẻ con, người lớn Hà Nội dùng nó như một đơn vị đo lường chiều dài trên phố.

Gọi là “cách nhau một cột đèn” rất dễ hình dung ra chiều dài ấy trong tưởng tượng. Có gì đó giống như người miền núi gọi chiều dài quãng đường đi bộ là một “quăng dao” vậy. Họ đeo con dao bao gỗ một bên mạng sườn leo núi cho đến lúc thấy mỏi thì “quăng” nó sang bên kia. Đeo có một con dao mà thấy mỏi hẳn là phải mất ba giờ đồng hồ trở lên. Tính ra quãng đường đi bộ ba giờ là khoảng 15km?

Cột điện trên phố đúc bằng bêtông cốt thép có lỗ chữ nhật để cho thợ điện có thể trèo lên sửa chữa. Những cột đầu phố thường phải chịu tải từ ít nhất hai hướng thường được làm bằng thép hình tán đinh ri-vê trông rất đẹp mắt. Chẳng cứ với người Việt mà ngay cả phương Tây lúc ấy cũng đều dùng kết cấu thép tán đinh như một phát minh quan trọng cả về kỹ thuật lẫn thẩm mĩ.

Sáu tuyến đường xe điện từ trung tâm Bờ Hồ toả ra các cửa ô đều dùng duy nhất một loại cột điện chuyên dụng để mắc đôi dây chạy tàu. Cột điện thép tán đinh này thấp nhỏ hơn cột tải điện trên phố nhưng mang lại hình ảnh đồng bộ hiện đại đầu tiên ở xứ Đông Dương thuộc địa với những đô thị còn rất nhiều nhà tranh vách đất.

Cùng với cầu Long Biên và xe lửa, cột điện chính là minh chứng cho một Hà Nội có những bước hoà nhập đầu tiên vào nền văn minh cơ khí thế giới mà bây giờ ta gọi là cách mạng 1.0.

Chiếc cột điện trên phố ngày càng phải gánh thêm rất nhiều nhiệm vụ kể từ khi nó ra đời. Ban đầu chỉ có dây điện và một số rất ít đường dây điện thoại. Tiếp đến là dây loa truyền thanh được mắc đại trà vào quãng đầu những năm 70. Tiếp nữa là dây loa phường được mắc song song thay thế cho chiếc loa sắt ông tổ trưởng dân phố vẫn mang đi rao hàng ngày.

Quãng hai chục năm trở lại đây thì người Hà Nội đã hoàn toàn không xác định được cột điện đã phải gánh chịu bao nhiêu thứ dây nhợ trên đời. Dây điện thoại cố định ít nhất mỗi nhà một đường. Dây mạng internet và cáp truyền hình cũng vậy. Mỗi chiếc cột điện trên phố bây giờ là cả một bung xung dây nhợ bám trên đầu. Và vô số những hộp những ống chạy nhì nhằng trên thân cột.

Dưới gần chân cột là chi chít những quảng cáo học thêm, khoan bêtông, cho vay không cần thế chấp...Càng ngày càng nhiều lên mà không thấy bớt đi bao giờ. Mớ bung xung ấy đã đi vào cả thơ, ca, nhạc, hoạ, nhiếp ảnh vài năm nay không chỉ của các nghệ sĩ Việt mà còn cả người ngoại quốc.

May mắn là thành phố vài năm nay đã bắt đầu chỉnh trang hạ ngầm dây điện. Sẽ không còn cột điện trên phố là chủ trương của nhiều ngành có chung lợi ích. Lần đầu tiên công cuộc chỉnh trang đường phố được chính quyền bắt đầu từ ngoại thành trở vào.

Những con phố hướng ra ngoại thành được hạ ngầm dây điện trước tiên. Người ở xa trung tâm chịu nhiều thiệt thòi bây giờ hoá ra lại được hưởng thụ những đường phố quang đãng trước cả dân phố cổ. Những con đường Giảng Võ, Kim Mã, Chùa Bộc, Nguyễn Trãi, Đại Cồ Việt, Giải Phóng... phong quang với hai hàng cột đèn đúng nghĩa chỉ để mắc đèn.

Những ký ức về cột điện bắt đầu rời xa thành phố vĩnh viễn. Cột điện cho đến bây giờ chỉ còn giữ duy nhất một bí mật trong mình mà thôi. Đó là chính nó cũng chẳng biết khi nào mình biến mất. 8-2017.

Gợi ý dành cho bạn