MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: LĐO

Đò dọc xuyên đêm

THANH HẢI LDO | 08/08/2017 06:21
Tôi như nhoè mắt trước tấm thảm hoa lộc vừng đỏ rực trên vỉa hè ở ngôi nhà cuối phố. Hoa rụng đêm qua nhiều, rải đều đến nỗi khó phân biệt là hoa hay thảm vải. Đẹp là vậy, nhưng chỉ 30 phút sau khi tôi tản bộ trở về, thảm hoa ấy đã bị người quét đường cho vào thùng rác.

Thảm hoa biến mất làm tôi nhớ khúc sông quê đến da diết. Đấy là khúc sông bình yên, bởi nó uốn quanh sau ghềnh đá, tạo thành cái vịnh nhỏ. Có lẽ vì vậy mà dù ở thượng nguồn nhưng nước không cuộn chảy và người dân đã chọn làm bến đò, lấy tên Bình An. Ở đó, có cây lộc vừng già đổ bóng xuống bến. Đầu hè, hoa tuôn đỏ cả mảng sông. Nước không trôi nên thảm hoa nhuộm đỏ mặt vịnh đến cả tuần lễ.

Những buổi tan trường muộn, ông lái đò đã bỏ bến về ăn cơm trưa, đôi khi ngủ quên, lũ học trò chúng tôi đi gom đá ném cho tan cái thảm hoa kia ra thành nhiều mảng để vẽ thành những khuôn mặt buồn, vui. Nhưng rồi, những buổi đợi đò lê thê đó vụt qua khi nào không hay biết, lũ chúng tôi rời quê ngàn dặm kể từ khi vào đại học.

Trong đám bạn tôi, có thằng từng uống nước ngửa bụng trên bến sông quê, chết hụt. Giờ nó về làm “quan đầu huyện”. Một ngày nọ tôi đọc báo thấy chính quyền viết đơn xin nhà máy thuỷ điện xả nước để dân tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống. Người dân đứng chật trên cây cầu mới, xem cuộc đua hời hợt thoáng chốc rồi tan. Khúc sông trở về với thực trạng trơ đáy. Nước bây giờ là tiền. Thuỷ điện cũng thơm thảo lắm mới xả cho địa phương một khoảnh khắc để chính quyền uỷ lạo dân chúng. Nghe bạn kể tin vui quê nhà mà trong tôi lại ngập cảm giác mênh mông buồn.

Nhớ những ngày lũ rút, chúng tôi băng qua mấy bãi bồi để đào dế, bới sùng đất. Mẻ dế rang khô với dầu phụng giờ như vẫn còn thơm ngậy trong mũi. Rồi những chiều đi hái trộm dưa gang, bẻ bắp non, băng qua vạt cải giống, hoa rụng vàng lối về nên cả lũ không thể chối tội được. Tôi hỏi ngu ngơ câu hát mẹ thường ru em: “Trồng trầu bỏ lộn dây tiêu/con đi đò dọc mẹ liều con hư”, vì sao là hư khi đi đò dọc? Mẹ giải thích xa xăm: Đến khi có mặt con thứ 5, mẹ mới thấm thía lời trách hờn của ngoại. Phải chi ngày xưa, nghe theo ngoại, chỉ cần đi đò ngang, sang bến sông bên kia làng thì mẹ đâu phải chịu cảnh xa quê biền biệt. Mẹ đã vì cha, theo chuyến đò dọc xa hơn 2 ngày đêm về núi, vài ba năm mới được một lần về thăm ngoại…

Bây giờ đường cao tốc vừa thông, cầu qua sông đã nối, chỉ chừng nửa giờ là tôi đã về đến quê nhà. Nhưng chao ôi, sao con đò cũ, bến nước xưa cứ làm ray rứt nhớ đến vậy. Nhớ những chuyến đò dọc về quê ngoại sương nước xuyên đêm, cứ như đi vào cổ tích.

Gợi ý dành cho bạn