MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bàn thắng không được công nhận của Lampard ở World Cup 2010.

Đớn đau nghiệt ngã

HOÀNG VĂN MINH LDO | 03/07/2018 06:45

Công nghệ không phải lúc nào cũng nhanh. Thậm chí nó còn buộc con người phải sống chậm lại. Đó là cảm giác khi một trận bóng đá lâu lâu phải dừng lại để chờ ông trọng tài hối hả rời sân vào phòng xem màn hình.

Còn cầu thủ, đặc biệt là anh vừa phạm lỗi thì hốt hoảng âu lo đúng nghĩa “và một ngày dài hơn thế kỷ” của văn hào Aitmatov để chờ máy móc có tên VAR phán xét.

“Chán nhỉ!”. Bạn thở dài khi trọng tài lại dừng trận đấu để đi hỏi “ông” VAR về một tình huống tranh cãi, bảo bóng đá có lẽ đã đến thời cáo chung của những sai lầm đến từ vua áo đen, của những bàn thắng gây tranh cãi, của những pha ăn vạ và chơi bóng tiểu xảo... vốn là một phần lịch sử bóng đá. 

Làm sao quên được vòng 1/8 World Cup 2010 của 8 năm về trước. Lúc đó đội Đức vào trận chưa đầy 30 phút đã nã liền hai bàn vào lưới Tuyển Anh.

Và Matthew Upson nhen nhóm hy vọng cho “Tam Sư” bằng bàn rút ngắn, trước khi Frank Lampard khiến hàng triệu cổ động viên Anh phát rồ ăn mừng với pha dứt điểm ngoài vòng cấm.

Nhưng là mừng hụt bởi bóng đập xà ngang và đi vào bên trong vạch vôi khoảng một mét nhưng trọng tài không nhìn thấy nên kiên quyết không công nhận bàn thắng dù bị phản ứng dữ dội từ cả trong và ngoài sân.

Sau tình huống đó, đội Anh chơi chùng xuống ở hiệp hai và để Đức ghi thêm hai bàn, chấp nhận dừng bước trên đất Nam Phi. Bạn bảo “đó là một cảm giác đớn đau nghiệt ngã, đời đời khó quên với những ai mê đắm Tuyển Anh”.

Hay ở World Cup 2006, là cảm giác bi hài khi Simunic, cựu hậu vệ Croatia nhận một lúc 3 thẻ vàng trong một trận đấu và trở thành cầu thủ đầu tiên và duy nhất trên thế giới cho tới lúc này không phải rời sân, dù nhận hai thẻ vàng do ông trọng tài... quên!

Hình như sau trận cầu “đớn đau nghiệt ngã” ấy, để tránh lặp lại sai lầm, FIFA áp dụng công nghệ goal-line từ World Cup 2014, và bố trí thêm trọng tài đứng ở đường biên ngang. Và đến Word Cup năm nay là công nghệ VAR với thêm đến 4 ông trọng tài ngồi trước màn hình máy tính.

Cả thế giới phát cuồng với trái bòng tròn bởi bóng đá là bản sao cuộc sống với đầy đủ tất cả những hỉ nộ ái ố. Nhưng giờ thì cuộc sống còn chi vui thú nữa khi chuyện gì cũng nhờ máy móc công nghệ phân định trắng đen một cách rạch ròi...

Gợi ý dành cho bạn