MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ký ức về cha

ĐỨC LỘC LDO | 24/08/2017 06:35
Tôi không đếm được bao nhiêu ký ức được lưu lại trong tâm trí mình, cũng không nhớ mình từng gặp bao nhiêu người hay từng ngang qua bao nhiêu chuyến xe ngắn dài. Nhưng có một miền ký ức khiến tôi đau đáu nhất, đó là ký ức về Cha.

Năm tôi lớp một, Cha thuê thợ về làm nhà. Đó là ngôi nhà gỗ ba gian tôi hằng ao ước, cột được làm bằng gỗ lim và mít. Cha tôi cũng là thợ mộc điệu nghệ, tôi nhớ mãi hình ảnh ông dùng rìu đẽo cột từ khúc gỗ vuông sang tròn mà thắc mắc “sao cha đẽo được hay thế”. Ông quệt mồi hôi, cười rồi chỉ cho tôi cách bắt mực ra sao, cách cầm rìu như thế nào.

Cha tôi làm nhiều nghề. Người làng bảo ông làm nghề “thợ đụng”, tức đụng gì làm nấy. Từ thợ mộc, đi rừng, buôn chè đến làm thuê trong Nam. Rồi Cha còn hay đan lát nữa, từ chiếc thúng, sàng giã gạo cho đến chiếc nơm bắt cá. Cha dạy tôi đi câu, có hôm tôi mang về một xâu cá lóc, cha cười, nụ cười trắng lóa.

Cha tôi là người lạc quan. Mặc mọi nỗi nghèo khổ cứ đeo bám gia đình tôi mãi, ông thường an ủi cả nhà: “trời sinh voi sinh cỏ”.Trong bữa cơm Cha thường kể về nỗi đói khát của người lính ngoài mặt trận, ông bảo “dù gì mình vẫn có cơm ăn”. Có lúc đang ăn, Cha bỗng buông bát bỏ ra ngoài, khuôn mặt trở nên nhăn nhúm phát sợ. Đó là vết đạn cũ trên người ông trở trời lại lên cơn đau. Cha không kêu bao giờ, điều này chỉ có mẹ và chúng tôi mới biết.

Năm lớp sáu tôi được chọn đi thi học sinh giỏi huyện. Sáng sớm Cha chở tôi đi, đạp xe hơn mười cây số. Thi xong Cha dẫn ra chợ ăn tô bún năm ngàn, hình ảnh Cha bẻ từng miếng mảnh đa vào tô cho tôi còn rõ như mới ngày hôm qua. Năm đó tôi thi rớt. Mẹ rất buồn, nhưng Cha lại cười: “Bại cũng có cái được của bại”, mặc dù những lần tôi “bại” đã lên tới con số 4.

Có một lần tôi thấy Cha khóc. Đó là lần ông đi hái cà phê thuê ở Tây nguyên, về đến nhà là ông khóc. Tôi còn nhỏ lớ ngớ không biết chuyện gì, hôm sau mấy chú đến nhà chơi mới biết số tiền Cha kiếm được bị móc túi sạch. Và sau này tôi mới hiểu, ông khóc không phải vì mất đi số tiền đó, mà khóc vì thương mẹ con tôi mong ngóng suốt ba tháng trời.

Ký ức về Cha mà tôi nhớ nhất có lẽ là một vài lần Cha giận Mẹ. Có hôm ông không kìm được cảm xúc ném vung cơm ra sân, có hôm giận hơn xách chiếc xe đạp chạy đi đâu đó cho dịu lại. Chưa bao giờ tôi thấy ông nặng lời với Mẹ. Điều mà sau này, khi biết yêu một cô gái tôi thấy mình cư xử thật giống Cha.

Năm tôi lớp bảy thì Cha mất. Một cuộc ra đi đột ngột. Người ta bảo ông ra đi đúng năm hạn, 49 chưa qua 53 đã tới. Tôi không biết nữa nhưng sau này mỗi lần nhớ đến Cha tôi thấy thương ông vô cùng. Điều mà khi ông còn, tôi không cảm nhận được.

Tôi luôn tin mỗi đứa con trai là một bản sao của người Cha. Và mỗi người Cha sẽ có một cách dạy con trưởng thành riêng biệt. Như Cha dạy tôi bằng những việc nhỏ, bằng nụ cười, cả nước mắt. Và những ký ức đó trong tôi là một nguồn sống vô tận, còn chảy suốt cuộc đời.

 

 

Gợi ý dành cho bạn