MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Là mèo thì phải bắt chuột

đỗ phấn LDO | 22/04/2018 07:15
Chẳng biết loài mèo được thuần hoá từ bao giờ. Xem xét những cổ vật và tranh vẽ Việt hầu như con mèo chỉ xuất hiện một lần ở tranh dân gian Đông Hồ có trước chúng ta chừng ba thế kỷ. 

Đó là bức tranh “Đám cưới chuột” đầy ngụ ý châm biếm xã hội cống nạp ngày xưa. Bức tranh tả cảnh một đám cưới chuột diễn ra tươi vui hoà bình khi lễ cống nạp gà và cá cho mèo diễn ra cùng lúc với lễ rước dâu của chuột. Hình như đó là khát vọng nhiều hơn hiện thực. Bởi vì người Việt mới chỉ coi mèo như sinh vật cảnh vài chục năm gần đây mà thôi. Trước đó, người ta nuôi mèo chủ yếu để chúng bắt chuột. Những con mèo dù đẹp đẽ đến đâu mà không biết bắt chuột cũng đều là thứ vứt đi đáng ghét. Những con chuột dù ranh ma đến đâu cũng khó lòng thoát khỏi móng vuốt của một con mèo hay chuột.

Chuột ở thành phố không đến mức gây hại kinh hoàng như ở nông thôn nhưng cũng là một vấn nạn không hề nhỏ. Chúng cắn phá từ cây cảnh, bàn ghế giường tủ cho đến cửa giả và áo quần. Chúng lục lọi thức ăn trong nhà làm cho chủ nhân nhiều khi phải mang đổ đi mà không dám ăn nữa. Khủng khiếp nhất là hình ảnh của chúng có tác động đặc biệt đến phản xạ phát thanh của phụ nữ. Rất hiếm đàn bà nào từ 15 tuổi trở lên đến tầm 40 nhìn thấy chuột trong nhà mà hà tiện được một tiếng thét thất thanh. Ngay cả đến cái chết của chúng cũng gây ra niềm kinh hãi. Mỗi sáng đi trên phố hầu như ngày nào cũng nhìn thấy chuột chết vứt lăn lóc trên đường.

Những năm chiến tranh phá hoại dân phố đi sơ tán gần hết. Họ chẳng biết phải làm gì với con mèo đang nuôi. Người ở gần còn có thể vài ngày đạp xe về cho mèo ăn. Người đi xa đành phó mặc. Chỉ biết mở cửa sổ cho mèo có thể ra ngoài kiếm ăn. Quan niệm của nông thôn lúc ấy còn tương đối nặng nề về chuyện tự dưng có một con mèo lạ đến nhà mình. “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu” là tục ngữ khá thịnh hành ở các miền quê. Dân phố đi sơ tán không thể mang con mèo của mình về nông thôn bởi chính chủ nhân của nó cũng chỉ là kẻ ở nhờ. Mèo hoang trong thành phố lúc ấy có lẽ nhiều nhất trong lịch sử Hà Nội. Chúng đi lang thang khắp nơi kiếm ăn. Dĩ nhiên thức ăn chính của chúng là chuột. Vài con mèo hay chuột sống đàng hoàng. Thậm chí khi chủ nhân về lại nhà sau ngày sơ tán còn có thêm cả một đàn mèo con trong nhà mình.

Nhưng cũng có nhiều con mèo bỏ đi mất tích. Rất có thể nó đã bị chết đói nếu như không bắt được chuột. Hoặc có thể nó tìm được một gia đình nào đó còn có người ở lại. Những người già trong phố không muốn đi sơ tán hoặc không có quê hương để về thường chọn cách liều mình ở lại thành phố. Họ chính là những người phát tâm nuôi dưỡng khá nhiều mèo hoang trong phố. Khi hết sơ tán thường viết lên tấm bảng học trò dòng chữ “Ở đây có mèo lạc” treo ngay ngoài cửa. Nhiều gia đình tìm được con mèo yêu quý của mình. Khi không còn ai nhận nữa chủ nhà mới mang cho bớt. Thế nhưng lũ mèo tình nghĩa nhiều con vẫn tìm được về nhà người đã cưu mang chúng.

Vài chục năm yên ổn sau hoà bình, con mèo bắt chuột tự nhiên mất đi vị trí của mình. Rất hiếm ai nuôi những con mèo mướp xấu xí nhọ nhem trong nhà dù chúng chính là giống mèo bắt chuột giỏi nhất. Cũng đồng nghĩa với việc chúng là giống mèo ít thuần hoá nhất. Người ta đua nhau mua mèo ngoại nhập về làm thú cưng trong nhà. Những con mèo Thái, mèo Ba Tư, mèo Thổ Nhĩ Kỳ, mèo xù mặt xấu… trở nên đắt giá. Vài người có học thức đã tìm cách cho nhân giống chúng và biến thành hàng hóa.

Mèo nhập ngoại gọi chung là mèo Tây có những đặc điểm không còn như mèo truyền thống nữa. Chúng được thuần hoá triệt để đến mức không còn có thể ăn thức ăn của người. Hai trong số những đặc điểm ấy là không bắt chuột, không sợ rét. Còn lại là rất hiếm khi meo meo, rụng lông đầy nhà vào mùa hè, không biết ăn cơm với cá thịt, chỉ ăn thức ăn hạt mua sẵn và thường xuyên phải tắm để tẩy mùi... Ngoại trừ bộ lông đẹp đẽ ra có thể nói mèo Tây hoàn toàn vô tích sự. Nhưng chẳng sao. Đến người đẹp nhiều khi cũng không đủ những phẩm chất của người thông thường.

Với tỉ lệ mèo Tây đã trở nên áp đảo mèo ta như thế thì việc bắt chuột lại về tay con người. Có đến muôn vàn loại bẫy và cũng ngần ấy loại thuốc đánh bả. Xét cho cùng thì con mèo cũng chính là do con người thuần hoá nó để bắt chuột như một công cụ mà thôi. Giờ không cần nó bắt chuột nữa thì hình như đó là nguyên nhân vài năm nay nở rộ những quán nhậu tiểu hổ. Chân lý tưởng như muôn đời là mèo thì phải bắt chuột đã không còn đúng nữa. Đến lúc nào đó con mèo ta tuyệt chủng thì hẳn là những thành ngữ kiểu “Như mèo thấy mỡ” hay “Mèo mả gà đồng” cũng sẽ tuyệt chủng theo. Không mừng mà cũng chẳng lo.

4.2018

Gợi ý dành cho bạn