MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh họa: LÊ THIẾT CƯƠNG

Mây trắng qua nhà

NGÔ MAI PHONG LDO | 01/05/2018 06:42

Nhà tôi có khách.

Bà nội mơ thiêng quá, hôm qua vừa kể chú Bình về bảo, ít người cũng cứ kê bàn ăn ra vườn các anh ấy ngồi cho thoáng đãng. Còn dặn, mẹ nhớ gửi tiền cho anh Khánh...

"Anh Khánh" tức là chú Khánh, một trong số bạn cũ ở cùng binh trạm Trường Sơn lâu nhất với chú Bình. Đã thành lệ, cứ vào dịp 30.4, nhóm đồng đội của chú tôi lại cùng nhau ghé qua đây thăm nhà. Hơn 10 năm trước, có tới cả chục người, nhưng rồi cứ thưa dần, người già yếu, bệnh tật, người nặng nợ áo cơm, một số đã qua đời. Chú Khánh mất do phơi nhiễm trực tiếp Dioxin khi mới ngoài 50 tuổi, bỏ lại một mẹ già. Chú Khánh cũng giống chú Bình tôi, cả hai đều không vợ.

Sau giải phóng gần một năm thì chú Bình về. Nhà cửa bừng lên như cầu vồng. Sướng nhất là lũ nhóc con tôi, suốt ngày đu trên cổ trên lưng ông trẻ. Ông trẻ uốn lưỡi câu, đẽo gụ, làm súng cao su, ông trẻ dạy thổi kèn lá... thích gì ông trẻ cũng chiều. Chúng tôi ở triền đồi, chưa có nước máy, ông trẻ về chẳng cần đòn móc, sớm sớm cứ hai tay hai thùng phăm phăm chạy từ trong núi ra thoáng chốc đã đầy tràn bể chứa, nhẹ thênh như trẻ con chơi đồ hàng.

Ông nội tôi là bộ đội chống Pháp, chỉ sinh được cha tôi và chú Bình, hai anh em cách nhau tới một giáp. Năm 65, đáng lẽ cha tôi phải nhập ngũ nhưng mẹ tôi đang mang bầu nên chú Bình giấu cả nhà xin đi thay cho anh. Dạo đó, đang học dở lớp 10, chú Bình đã cao 1m78, chân xỏ đôi dép rọ 42 vẫn còn kích ngón. Có lần về đây, tôi nghe chú Khánh trêu: "Chân này mà để tuột giày ở chỗ trộm gà hay buồng con gái người ta có chạy lên rừng nó cũng tóm sống". Chú Bình cười hề hề: "Chân ta là để đi duyệt binh".

Nhưng những ngày vui trong gia đình của tôi không kéo dài. Bắt đầu là việc bà nội thúc chú Bình lấy vợ. Bố mẹ tôi tuyên bố chu cấp toàn bộ để chú tiếp tục con đường học hành. Ông nội muốn chú ra nước ngoài học nghề. Mọi cuộc bàn soạn đều nghiêm túc. Chỉ mỗi chú Bình lần nào cũng đánh trống lấp. Bị dồn dữ quá, chú tôi lại bông lơn: "Con thấy ngả của mẹ rất hay, ngả bố rất hay, ngả anh chị cả cũng rất hay. Ba ngả đều hay nên con chưa biết đi ngả nào, hề hề". Ông tôi hừm một tiếng rồi bỏ mâm cơm đứng lên. Chú Bình coi như không biết ông nội giận, lát sau đã lại thấy dang hai nách cho bọn trẻ con cù, "đố đứa nào làm được ông trẻ cười, ông cho ăn kem sún răng". Bố mẹ tôi chỉ còn cách lắc đầu.

Ít lâu sau, chú Bình đầu quân cho một tổ hợp xây dựng của thị xã. Cả nhà lại một phen tức giận nhưng không ai dám mắng. Lần này chú Bình rất nhẹ nhàng: "Con biết bố mẹ và anh chị thương con lắm. Nhưng giờ thì bố mẹ đều yếu rồi, con không muốn đi đâu xa nữa."

Thôi thế cũng được, bà nội vui vẻ lại ngay. Xóm rừng thông của tôi phấp phới mười mấy cô chưa chồng, toàn các cô gia đình quan chức hàng tỉnh, quá lứa do hơi tối nước nhưng nghề nghiệp đàng hoàng. Nhiều cô vài bữa lại tạ sự qua xin lá sả, chè xanh hoặc khế chua vườn bà tôi, kỳ thực chỉ là cớ để đong đưa trước "chàng khổng lồ mét tám". Đáp lại cử chỉ của các cô, chú Bình chỉ cười cười hoặc gật gật đầu.

Năm tháng trôi đi, các cô quá lứa kia lần lượt lấy chồng. Nhắc đến chú tôi, nhiều cô rụt cổ, thì thào "may quá, suýt thì thành món lẩu cho gã dở người".

Đôi khi óc tôi thoáng qua ý nghĩ tàn nhẫn, rằng tại sao một cơ thể tinh khôi, vạm vỡ như chú tôi lại không thể rung động trước sự son trẻ khác giới, có phải chú tôi là một người không bình thường?

Tôi lặng lẽ để ý nhưng chẳng thấy gì khác lạ ngoài thói quen cố hữu - chú Bình thích mắc võng ngủ ngoài hiên nhất là vào tiết thu, trừ những đêm mưa gió.

Cho đến một hôm, đang đào giếng ở góc vườn, bỗng chú Bình lả đi. Tôi cuống cuồng định gọi xe cấp cứu nhưng chú tôi ngăn lại, nói đủ để tôi nghe: " Không cần đâu. Đừng làm nhà sợ. Bệnh của chú cũng như chú Khánh, hai anh em biết lâu rồi"... Trong tích tắc, tôi nhìn thấu từng sợi xích tàn độc bao nhiêu năm vẫn xiết chặt tuổi trẻ, tâm hồn của thế hệ chú tôi. Và những sợi xích bi thương ấy, còn dài hơn mọi cuộc chiến tranh.

Năm 2012, chú Bình ra đi sau một cơn đau đớn cùng cực. Đó là một ngày lập thu, mây trắng hành quân lớp lớp qua nhà.

Gợi ý dành cho bạn