MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân một làng nghề thao tác làm ra sản phẩm từ thân cây dó bầu. Ảnh: KhanhHoa Online.

Mộng trầm

THANH HẢI LDO | 30/11/2018 07:53
Bạn khai trương cửa hàng bán trầm hương thủ công mỹ nghệ trên con phố du lịch sầm uất của Đà Nẵng. Sản phẩm thuộc hàng quý hiếm, cao cấp nên giá cả cũng ngất ngưởng. Phần lớn khách nước ngoài tới coi, nhưng người mua chủ yếu là dân Châu Á.

Tôi ghé thăm, chỉ nhón mua “xã giao” món rẻ nhất, một bó nhang trầm, thế nhưng giá cũng gấp… 10 lần bó nhang thường. Dù hương trầm không ngào ngạt như nhang thường, nhưng ba tôi bảo mùi trầm tự nhiên, thoảng nhẹ, rất dễ chịu. Tôi tin là ba đã cảm nhận đúng, bởi ông có một thời trai trẻ gắn với rừng núi, làm dân địu trầm thứ thiệt.

Ngày gia đình tôi chuyển hẳn về thành phố, ngoài cây mai 5 nhánh mà ba tôi luôn nghĩ là tượng trưng cho 5 đứa con đi làm ăn xa, ông còn mang theo cây dó bầu. Nhà mặt phố, vỉa hè hẹp, chẳng có không gian riêng để trồng cây dó xuống đất. Thay chậu to thì ngại lấn lối của người đi bộ, vì vậy, nó phải chịu cảnh “chậu lồng”. Thấy ông vất vả mỗi ngày 2 lần tưới, tôi khuyên: Hay là ba bỏ cái cây dó ấy đi. Hình dạng không ấn tượng, không cho hoa quả, cũng chẳng trồng để làm củi được. Nhưng bao lần tôi đều không thuyết phục được ba. Ông vẫn một mực: Biết đâu sau này nó “ăn” trầm thì sẽ là khối tiền để lại cho các cháu.

Cả tôi và ba đều biết rõ từ “sau này” của ông chỉ là thứ hy vọng thật mong manh. Bởi từ nhỏ, tôi từng theo cha qua bao nhiêu cánh rừng ở trung Trường Sơn, hạ hàng trăm cây dó bầu để tìm trầm, nhưng vô vọng. Vì chẳng phải cây dó nào bị tổn thương cũng có trầm, kỳ nam càng hi hữu. Những mùa hè sau đó, chúng tôi còn quay lại các cánh rừng đã đi qua, tìm chặt những đe sanh (tức gốc dó bị đốn hạ, tiếp tục mọc nhánh mới trên gốc cũ) để lận tinh dầu trầm trên mặt đe… Có điều chưa bao giờ cha con tôi may mắn.

Thật lạ lùng, cha tôi vẫn khôn nguôi hy vọng khi bứng cây dó con về tận sân vườn, để bây giờ lại mang theo, “cầm tù” trong chiếc bồn sành nhỏ.

Đón được ba má về đô thị sum vầy, tôi không còn lo cảnh song thân cô độc tuổi già, ốm đau không có cháu con bên cạnh. Nhưng dường như trong mắt ba tôi đã mất đi sự rắn rỏi, kiêu hãnh của bậc gia trưởng ngày nào. Nhìn ông lơ đễnh nhả khói thuốc bên cây dó bầu mảnh khảnh, tôi biết ông lại nhớ rừng và hẫng hụt. Tôi tự nhắc mình phải thật kiệm lời để tránh mọi tổn thương cho cha từ những điều nhỏ nhất như giấc mộng trầm hương mong manh, hoặc xấp vé số chiều nào cũng làm ông phấp phỏng.

Lại nhớ những ngày khốn khó tưởng không thể đứng được lên, vậy mà cha đã nuôi dạy 5 anh em chúng tôi khôn lớn bằng người. Khi ấy giấc mộng trầm hương của ông là để cho chúng tôi ăn học. Mộng trầm hương không thành nhưng thành là những đứa con. Có lẽ thế chăng mà cho đến bây giờ, cha vẫn còn hy vọng.

Gợi ý dành cho bạn