MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngựa Thượng Tứ

Hoàng Văn Minh LDO | 17/12/2018 06:06

Quán cà phê bên bờ sông khá đông người. Và gần như mọi ánh mắt đều đổ dồn về một nhóm tầm 6 cô gái giọng rặt Huế đang gác chân lên ghế và to tiếng “tám” với nhau bằng thứ ngôn ngữ “tự nhiên như ruồi” đang thịnh hành trên mạng.

Chị bạn cùng bàn, một mụ Huế cổ gần như rít lên: “Đồ đú đởn như những con ngựa Thượng Tứ. Xưa chị mà như rứa thì ba mạ lôi về cạo đầu bôi vôi”. Giật mình bởi lâu lắm rồi mới nghe lại “ngựa Thượng Tứ”, một thời vốn là một câu cửa miệng của các mẹ, các o ở Huế khi răn dạy con, cháu gái mới lớn.

Chợt nhớ một chuyện liên quan. Là Kinh thành Huế có 8 cửa ra vào. Nhưng thú vị là mỗi một cửa đều có hai tên gọi, một do triều Nguyễn đặt, một do dân gian gọi. Ví như cửa Đông Nam Môn ở bên phải mặt trước Ngọ Môn gần như bị chết tên là cửa Thượng Tứ và gần như rất ít người để ý đến ba chữ Đông Nam Môn bằng Hán tự trên vọng lâu.

Căn nguyên bởi dưới chân cửa thành, thời Nguyễn có một trại chuyên nuôi ngựa để kéo xe cho vua có tên là Viện Thượng Tứ. Là gọi cho mỹ miều thế thôi chứ trong trường hợp này, “thượng” là bề trên, đồ của vua, còn “tứ” là cỗ xe có 4 con ngựa kéo.

Nghe kể, ngựa trong Viện Thượng Tứ là ngựa dữ, ngựa chiến, luôn rừng rực, lồng lộn nên được giao cho đội phi kỵ vệ và khinh kỵ vệ nuôi dạy, huấn luyện. Đặc biệt tới mùa hứng tình, đám ngựa cái càng lồng lộn kêu hí, quấy phá dữ dội.

Từ đó, “rượn như ngựa Thượng Tứ” là cách để so sánh, bỉ bai đám đàn bà, con gái bị cho là hư thân, trắc nết. Là cách ví von kiểu “sợ lắm” những chị, những em, những mệ, những bà… lúc nào cũng sẵn sàng lồng lên dữ dằn như ngựa chứng không có người cầm cương. Là hình ảnh để răn đe con gái tuổi mới lớn không được ham chơi, không “rượn” và đú đởn kiểu ngựa cái…

Hôm rồi, cũng nhờ mấy cô gái Huế “đú đởn” mà tôi mới có dịp trèo lên Đông Nam Môn nhìn xuống dòng người qua lại ở nơi ngày xưa là Viện Thượng Tứ. Rồi nghĩ chẳng biết nên buồn hay vui bởi Viện Thượng Tứ đã bị thiêu rụi khi Kinh thành Huế chìm trong biển lửa ở chính biến 1885. Nhưng tinh thần của “ngựa Thượng Tứ” tuồng như ngày một tươi tốt như cỏ hoang, như hoa dại…tới nay.

Gợi ý dành cho bạn