MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Người âm xui

HOÀNG KIM ANH LDO | 12/04/2018 06:40
Độ tuần nay, mẹ bị mệt, nhất định không chịu đi bệnh viện nhưng lại khăng khăng bắt con cháu mời cô P đến chăm sóc. Cô P là một điều dưỡng viên được mẹ đặc biệt “mê tín” suốt mấy chục năm qua.

Thế là chúng tôi lại phải nhờ đến cô. Cũng thật lạ lùng, những ngày cô P tới, mẹ lại “ăn như cũ, ngủ như xưa”.

Cô P không biết đi xe máy, vì thế, chồng cô luôn là người cầm lái tận tụy của vợ kể từ khi bắt đầu chung sống. Trong lúc cô chăm sóc cho mẹ tôi thì ông thường tranh thủ chạy đâu đó, hoặc mua tờ báo ra ngồi hàng nước đợi.

Nhiều lần, tôi mời vào nhà, nhưng lần nào ông cũng viện lý do để từ chối. Trước sự ái ngại của chúng tôi, cô P bảo: “Ông nhà tôi thích thế. Nhiều hôm, trời nắng, tôi bảo để tự đi xe ôm hoặc taxi nhưng ông ấy vẫn một mực đẩy xe ra…”.

Tôi đã nhìn thấy ánh mắt ấm áp khi ông nhìn bà mỗi lần đưa đón vợ. Và tôi tin là cô P. nói thật.

Mẹ kể, hôn nhân của cô cũng là chuyện dị biệt.

Cách đây trên 30 năm. Chị - một thiếu phụ xinh đẹp, đã trở thành góa phụ sau một cơn bạo bệnh của chồng. Còn anh - một người đàn ông điển trai, phong độ cũng vừa mất vợ. Dường như không tuần nào hai con người xa lạ không chạm mặt nhau trên lối ra vào nghĩa trang…

Một mùa rồi ba mùa, cho đến một hôm vào giữa tiết thanh minh, khi cả hai đang chuẩn bị ra về bỗng trời đổ một cơn mưa rào như roi quất. May sao anh lại có tấm vải nhựa mang theo bọc đồ cúng, vậy là vừa căng lên, vừa cuống quýt gọi chị. Sau này, họ gọi đó là “ngày trời xui”.

Sống bên nhau, cô P mới hiểu chồng mình đã trải qua hơn 10 năm một thân bươn chải nuôi các con nhỏ và chăm sóc người vợ quanh năm đau yếu không một lời than vãn. Vì thế cô càng kính trọng chồng.

Bố mẹ thương nhau, những đứa trẻ lít nhít tự dưng có thêm anh em như ruột thịt, ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu, thức thì đùa nghịch, ngủ thì quấn lấy nhau, ra đường chẳng trẻ con hàng xóm nào dám bắt nạt. Gia đình của họ như con thuyền lại có chèo có lái, cứ thế mà vượt qua những tháng năm no đói.

Giờ đây, tất cả các con của họ đều đã lớn khôn và thành đạt. Ngôi nhà cũ chỉ còn lại hai người, nhưng đây vẫn là chốn sum vầy ấm áp, nhất là mỗi dịp giỗ tết. Tôi cứ hình dung những ngày ấy, nhà cô P giống như một chiếc thuyền hoa.

Mẹ tôi bảo, chả phải tự nhiên gặp nhau ở chốn nghĩa trang mà thành duyên được, phải có thiện căn lắm họ được người âm xui khiến lành hậu thế. Hèn chi mẹ nói: “Cứ ở bên cô P là thấy nhẹ hẳn người rồi. Cô P tiêm kháng sinh cũng chỉ như kiến đốt”.

Tôi chợt hiểu ra vì sao đi đâu hai người cũng có nhau. Và bao nhiêu năm qua, ông chồng cô chẳng bao giờ nỡ để vợ phải đi một mình.

Gợi ý dành cho bạn