MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người Việt mang túi

đỗ phấn LDO | 01/08/2018 06:30
Chiếc túi chẳng biết ra đời từ khi nào. Chỉ có thể phỏng đoán từ thời nguyên thủy. Con người muốn mang thức ăn, vật dụng di chuyển cần phải sử dụng một đồ dùng có thể đựng được chúng.

 
Người Việt cho đến tận giữa thế kỷ trước vẫn sử dụng một chiếc “túi” đơn giản đến mức chỉ vừa đủ với định nghĩa. Đó là chiếc tay nải. Chiếc túi này được may bằng vải thô khổ 40cm nối chéo để mở rộng dung tích. Quai túi cũng liền trong khổ vải ấy.

Người đồng bằng tay nải nhuộm nâu. Miền núi nhuộm chàm. Tay nải đi những nơi gần hàng ngày nhỏ hơn. Chỉ đựng những đồ lặt vặt. Đàn bà có cơi trầu, khăn tay, gương, lược...

Đàn ông ít khi mang tay nải nếu không phải đi xa. Tay nải đi xa thường lớn hơn. Có thể đựng được vài bộ quần áo, đồ dùng cá nhân. Tiền bạc giấy tờ quan trọng phải đựng vào chiếc hầu bao buộc quanh bụng bên trong áo.

Rất có thể thành ngữ “Đồng tiền liền khúc ruột” ra đời theo cách giữ tiền này của người Việt xưa. Và “Mở hầu bao” là thành ngữ cũng hình thành từ cái túi đựng tiền này. Nhiều người luôn mang bên mình những đồ trang sức vàng bạc như vật bất ly thân.

Kháng chiến chống Pháp mới xuất hiện chiếc túi cho binh lính. Đó là chiếc ba lô may theo kiểu Pháp hết sức đơn giản. Nó thực ra chỉ là một mảnh vải có hai quai đeo may hình chữ thập để tiện việc gấp bốn cạnh vào. Sau khi xếp quần áo thành chồng mới gấp các cạnh ba lô vào và buộc bằng dây vải.

Những chiếu, những chăn và ruột tượng đựng gạo được quấn vòng xung quanh cũng buộc bằng những dây vải như tua rua bên cạnh. Hành quân hàng trăm cây số đường rừng người lính nào cũng phải cõng trên lưng chiếc ba lô ấy. Mãi cho đến kháng chiến chống Mỹ, chiếc ba lô con cóc mới ra đời.

Đó là một cải tiến hết sức quan trọng. Nó đã được may kín thành một chiếc túi lớn có dung tích khoảng 30 lít kèm theo ba túi cóc bên ngoài. Ba lô con cóc có thể đựng được toàn bộ gia tài của một người lính vào Nam ra Bắc. Quần áo, tăng võng, thuốc men, sách vở và thư tình.

Ba ngăn con cóc bám bên ngoài ba lô đựng những thứ lặt vặt kim chỉ, thuốc lào, bàn chải đánh răng, dầu cao, đèn dầu tự chế tùy theo chủ nhân của nó thường xuyên dùng đến những thứ gì cần dễ lấy ra nhất.

Thời chống Mỹ ở miền Bắc không chỉ bộ đội mới dùng đến ba lô. Hầu như dân phố nhà nào cũng có ít nhất một chiếc dùng cho việc đi công tác, hội họp. Trẻ con đi sơ tán dùng ba lô thành thạo như người lớn. Và ba lô cũng chỉ có một kiểu con cóc duy nhất mà thôi.

Người ở phố những năm chiến tranh đã bắt đầu sử dụng nhiều loại túi. Sang trọng thì là những túi may bằng da bò hoặc cặp sách cho đàn ông. Bình dân thì túi may bằng vải có bán sẵn ở mậu dịch hoặc tự may. Kiểu cách tối giản chỉ là có chỗ đựng và quai xách. Nhiều nhất có thêm túi nhỏ bên trong đựng tiền bạc giấy tờ.

Lúc ấy, chứng minh nhân dân còn đóng thành quyển gập lại được. Nếu không có túi thì phụ nữ chẳng biết phải đựng nó vào đâu khi đi đường. Đơn giản vì chị em ở phố chỉ mặc quần lụa và áo sơ mi là những thứ trang phục không có túi.

Mãi đến cuối thập niên ’60 mới xuất hiện chiếc túi nhựa. Đầu tiên là nhập khẩu từ Trung Quốc. Chiếc túi nhựa được thiết kế hình thang đáy nhỏ có độ dày vừa phải. Màu xanh trứng sáo tượng trưng cho hòa bình. Quai nhựa dày dặn ép liền trên miệng túi. Mặt túi in hình quảng trường Thiên An Môn hoặc ảnh lãnh tụ Mao giơ tay chỉ về phía mặt trời mọc.

Thỉnh thoảng có chiếc túi in ảnh minh tinh Tàu đóng vai Hỉ Nhi trong phim Bạch Mao Nữ thì đã là nổi bật giữa phố phường. Chiếc túi nhựa ra đời đúng vào lúc phong trào trộm cắp ở phố đang lên cao. Túi vải luôn là mục tiêu của đám rạch túi ở chợ. Túi nhựa vì thế nhanh chóng được ưa chuộng.

Không những chỉ chống được trộm cắp mà nó còn là món đồ thời trang đẳng cấp quốc tế. Ít lâu sau thì những nhà máy nhựa quốc doanh Việt Nam cũng sản xuất được những túi này. Hình dáng và màu sắc giống hệt túi Tàu. Chỉ có phần hoa lá in trên túi trông không sống động bằng nguyên bản. Tuy nhiên nó rất rẻ, ai cũng có thể mua được ở cửa hàng bách hóa.

Và cũng tất nhiên thời ấy chưa có luật sở hữu trí tuệ. Người Việt tha hồ sản xuất theo kiểu dáng màu sắc mình thích mà không cần quan tâm đến bản quyền.

Sự ra đời của chiếc túi nilon được chế bằng màng mỏng PE vào đầu thập niên ’90 là bước thay đổi quan trọng trong đời sống chợ búa của thị dân. Những làn guột, làn sắt và rổ rá không còn kè kè trên tay những bà đi chợ nữa. Hầu hết các loại thực phẩm đều được đựng túi PE cho khách hàng mang về.

Ban đầu các bà các cô còn quý hóa nó đến mức giặt đi để dùng lại. Về sau là bừa bãi vứt ở khắp nơi. Ngày Ông Công tháng chạp có thể thấy hàng bè túi trôi dạt khắp các sông hồ trong thành phố rất bẩn mắt.

Giờ thì không có bất cứ ai dám chắc rằng mình biết tất cả mọi loại túi ở trên đời. Nghề buôn bán túi ở thành phố đã trở thành một ngành kinh doanh riêng biệt. Chiếc túi của thị dân cũng “phân hóa sâu sắc” theo địa vị của người dùng nó. Sang chảnh nhất là những túi hàng hiệu LV (Louis Vuitton), Hermes, Chanel... có cái trị giá bằng vài ngôi nhà tình nghĩa. Tầm tầm cũng phải hạng Gucci, YSL (Yves Saint Laurant), Dior...

Những ngôi sao nhạc sến và các quý bà vợ đại gia không thể thiếu món phụ tùng túi hàng hiệu này. Nó không chỉ để chứng tỏ đẳng cấp mà còn như ngầm báo giá cát-xê (cachet) hoặc thương vụ mua bán.

Phụ nữ thành phố ra đường không thể không mang một chiếc túi. Nhiều khi chiếc túi ấy chỉ là để đựng vài túi nhỏ bên trong mà thôi!

7.2018

Gợi ý dành cho bạn