MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người vô lý nhất thế gian

KHƯƠNG QUỲNH LDO | 03/05/2018 06:43
Bao nhiêu năm qua, mẹ tôi có một thói quen, tối nào trước khi đi ngủ cũng ngồi ghi chép cái gì đó vào một cuốn sổ dày bìa đen. Hồi còn bé, tôi hay đánh vần xem mẹ viết gì. 

Đại loại là “ngày 16 tháng 2 năm 1997, mua thiếu của bà Sứ 2 lạng cá khô 3 ngàn rưỡi”, “ngày 15 tháng 1 năm 2000 cho cô Phương mượn 200 ngàn tiêu tết. Mẹ tôi vẫn thế, luôn khắt khe và chi li trong chuyện tiền bạc. Thậm chí, mẹ luôn “trấn lột” hết quỹ đen của chị em tôi.

Tôi lên 5-6 tuổi thì chị Hai ở tuổi trăng tròn. Chị xinh nên rất nhiều anh theo. Mỗi cái tết đối với tôi là những ngày bội thu tiền mừng tuổi. Sau 3 ngày tết, mẹ nhìn lũ chúng tôi đếm tiền lì xì rồi bảo: “Đưa hết đây, mẹ cất cho”.

Lớn hơn một chút, chị em tôi trở thành “cao thủ” nghề đan giỏ tre. 3 tháng hè, ngày nào tôi và chị Ba cũng đi đan thuê. Ngày được 20 ngàn, ngày được 15 ngàn. Cầm “tiền tươi” trên tay, vui lâng lâng.

Hết hè, chị em tôi để dành được hơn triệu bạc. Chưa kịp tiêu đồng nào, mẹ đã dỗ: “Đưa tiền đây, mẹ cất cho”. Rồi đến dịp tổng kết năm học, trường trao giải thưởng cho học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Tôi vừa hí hửng cầm giấy khen và số tiền mơ ước bước ra cổng trường thì mẹ tới đón, cười cười, lặp lại điệp khúc cũ: “Đưa đây mẹ cất cho”.

Hồi đó, tôi đã rút ra kết luận: Mẹ là cái ngân hàng 1 chiều, gửi vào được nhưng không rút ra được. Mẹ luôn lắc đầu những khi thằng Út xin tiền chơi game; tôi xin tiền mua chai nước thơm giống bọn con gái trong lớp; chị Ba xin tiền duỗi tóc theo mốt đang nổi. Có lúc tôi giận vì mẹ quá vô lý.

Chính sự vô lý của mẹ nên chị em tôi không biết đến thú vui nào ngoài học hành. Sau giờ học, tôi lại lóc cóc đạp xe về nhà, không net, không quán xá…Đã thế, mẹ còn lệnh kiểu: “Nhà mình nghèo, cấm đứa nào được học dốt”.

Năm tháng trôi, lần lượt 3 chị em tôi vào Đại học. Hồi tôi với chị ba mới đi, thằng Út học lớp 11, nó đổi tên tôi và chị ba trong điện thoại của mẹ là “máy nghiền tiền 1” “máy nghiền tiền 2”. Tôi về, nó phụng phịu: “Mẹ gửi tiền cho hai chị hết rồi, ở nhà mẹ toàn bắt em ăn cơm với lạc rang, chán lắm”. Hơn 1 năm sau, Út cũng thi đậu vào Đại học Y, học 6 năm, tiền học phí gấp đôi của tôi.

Hôm rồi, tôi đi công tác qua nhà, đúng lúc sổ ghi chép hết. Tôi hỏi xin mẹ, mẹ bảo: “Trong tủ mẹ, cuốn nào chưa ghi thì lấy”. Tôi rút một cuốn trong chồng sổ, thấy toàn những con số. Nào là “ngày tháng năm, mẹ gửi tiền cho Quỳnh…”, “ngày tháng năm, mẹ gửi tiền cho Út…” “ngày tháng năm, mẹ gửi cho Khánh…”.

Nhìn điệp khúc “mẹ gửi tiền” kín đặc cuốn sổ, tôi chợt giật mình. Chưa bao giờ mẹ nhắc chúng tôi phải trả lại cho mẹ khoản tiền ấy. Thì ra, mẹ vẫn luôn là người phụ nữ vô lý nhất trong thế gian này - người có thể cho chúng tôi nợ cả cuộc đời.

Gợi ý dành cho bạn