MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhớ “Thời Thanh niên sôi nổi”

hà văn LDO | 22/11/2017 07:00
Tuần trước ở bên Hồ Văn - trước cửa Văn Miếu - Quốc Tử Giám có cuộc tọa đàm văn học Nga. Có lẽ đây là hoạt động hưởng ứng Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười. Tác phẩm “10 ngày rung chuyển thế giới” nói về cuộc cách mạng này lại do một nhà báo Mỹ viết. 
 
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, văn học Xô Viết đến với công chúng Việt Nam rất tiếc lại qua đường tiếng Pháp, một số thơ văn được dịch qua tiếng Hoa. Có những tác phẩm được dịch thành công như bài thơ “Đợi anh về” của Xi-mô-nốp, do nhà thơ lớn Tố Hữu dịch.

Khi Xi-mô-nốp sang thăm Việt Nam, thấy thơ mình trong phiên bản Việt, đã phải ngân lên: “Thơ tôi đã vang vọng trong bản dịch của anh”. Cuốn “Thép đã tôi thế đấy” của M. Sôlôkhốp được nhà báo Thép Mới dịch sang tiếng Việt cũng qua tiếng Hoa, là “Paven cô-sa-kim”.

Có lẽ phải đến ngót thế kỷ chúng ta đã quen gọi cụm từ Văn học Nga - Xô Viết. Còn hôm nay chỉ còn là Văn học Nga. Chữ Xô Viết đã “biến mất” trong văn học dịch Việt Nam!?

Tôi có may mắn được du học 5 năm ở Liên Xô khi đã học xong khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội nên tiếp thu văn học Nga - Xô Viết khá sâu sắc. Hai chữ Xô Viết chỉ có nghĩa là “hội đồng”, có thể so sánh với từ “dân chủ” trong tiếng Việt. Bỏ 2 từ Xô Viết là vì một nhẽ Liên bang Xô Viết không còn (giờ là Liên bang Nga). Người Nga, nước Nga, nếu đúng nguyên bản phải đọc là người Rusk, nước Rusk, Nga là dịch qua tiếng Hán.

Việt Nam ta có văn học thời Trần, thời Lê, thời Lý và cả thời Nguyễn. Còn văn học Nga - Xô Viết nay chỉ còn là Nga. Đến đây tôi lại nhớ đến nhà thơ Quang Dũng mà bản thân có “chơi” với ông nhà thơ Tây Tiến này.

Trong bài “Nhớ Tây Tiến” Quang Dũng viết: “Bao giờ trở lại đồn Bương Cấn”... Bỗng từ trong tôi thầm thì: “Bao giờ trở lại Nga - Xô Viết”... Nghĩ xong bật cười, có lẽ mình đã già hay còn “máu” về một “Thời Thanh niên sôi nổi” chăng?

Gợi ý dành cho bạn