MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những đôi dép cũ

ĐỨC LỘC LDO | 10/10/2017 07:40

Bạn bảo, hồi về quê thấy ông bà nội vẫn đi đôi dép nhựa tái chế vá đùm vá đụp mà lòng se lại.

Dép của ông ngả màu vàng của đất, dép của bà chuyển màu xanh như rêu, cả hai đều mòn hết đế. Nhìn vào đó, bạn thấy đôi chân ông bà nứt nẻ như thửa ruộng ngày hạn, mu bàn chân lớp da chết bong ra đóng thành từng lớp, xám xịt, cổ chân thì khẳng khiu đưa từng bước run run.

“Hay để con mua cho ông bà đôi dép mới”, bạn thì thầm vào tai, bà nghe ậm ừ tiếng được tiếng mất bảo ông bà già rồi, đi từ nhà ra ngõ thì mua dép mới làm gì, phí!

Bạn cũng gặp sau hè những đôi dép cũ sứt sẹo và cứng đờ từ hồi nào vẫn được bà sắp xếp ngay ngắn. Bạn lại ghé vào tai thắc mắc, bà ơi, sao bà cất những đôi dép cũ này làm gì, rác nhà ra. Nhưng bà như không nghe thấy.

Bà bảo: “Ngày xưa, ai cũng đi chân đất hết cháu ạ! Chân đất đi làm ruộng, chân đất đi thăm họ hàng, chân đất đi buôn chè xanh, lá cọ, chân đất cả những lần hẹn hò”. Bất chợt bạn nhìn xuống bàn chân của ông bà, dù còn lớp da mồi và xương gầy nhô lên nhưng bàn chân nào cũng bè ra, kết quả của một đời chân đất nhọc nhằn.

“Mình còn sướng hơn khối người cháu ạ. Sướng hơn cố Nhàn đầu xóm gần chín chục rồi mà vẫn phải đi chân không. Trời mưa, đường trơn, cố tay chống gậy, chân dò từng bước, ngón chân lúc nào cũng quoắc lại, bấm vào mặt đường sợ ngã. Cực đắng nước!” - bà ngậm ngùi.

Tuổi thơ của bạn không phải đi chân đất như ông bà nhưng vẫn háo hức mỗi khi mẹ mua cho đôi dép mới. Bạn nhớ những đôi dép lê trắng rộng hơn bàn chân, “đi để lớn lên là vừa” - như mẹ thường nói.

Rồi lớn lên, bạn vào Sài Gòn, thay biết bao nhiêu là giày, dép. Dép đi trong nhà, dép ra ngoài đường, dép đi học, rồi cả những đôi giày bóng lộn chỉ để dành đi đám cưới. Bạn nhẩm tính, mỗi năm ở phố thị số dép bạn mua gấp cả chục lần số dép cả gia đình đã đi những năm còn niên thiếu.

Ăn theo thuở, ở theo thời. Thời của bạn bây giờ một đôi dép cũng có thể thành “hình đại diện” trên Facebook. Thời của bạn cuốn nhanh không kịp ngoái lại, dép chưa mòn đã vội vứt bỏ. Thời của bạn phải sành điệu, hết những đôi dép cao gồng và nặng trịch, đi cứ như níu lại, đến những đôi nhẹ tênh, như không. Chúng cũng chẳng có “họ hàng” gì những đôi dép mà ông bà đã đi cho đến khi đứt quai, mòn bục, thì ngồi cặm cụi hàn vá lại.

“Có phải khi đủ đầy mọi thứ, người ta cũng mất đi cảm giác háo hức không?” Bạn hỏi bâng quơ khi cầm trên tay đôi dép mới. Biết trả lời bạn thế nào đây, lòng nghĩ: Bạn đã khi nào thử ướm chân vào đôi dép cũ kỹ của ông bà chưa nhỉ?

Thử một lần đi!

Gợi ý dành cho bạn