MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sóng

VIỆT VĂN LDO | 30/01/2018 06:45
Sóng biển dạt dào. Ngồi ăn cháo và uống bia thì thực vô duyên. Nhưng chót quen miệng gọi bia thì đành chịu. Và tự nhiên nhớ đến lời “chế” cho bài hát “Thuyền và biển” (nhạc: Phan Huỳnh Điểu, lời thơ: Xuân Quỳnh): Chỉ có biển mới hiểu bụng mênh mông nhường nào. Chỉ có bụng mới biết bia đi đâu về đâu”.

Nhìn những con sóng đánh vào bờ, trắng xóa trong đêm tự nhiên thấy lòng xốn xang. Hệt như sóng: Trào dâng, chậm, nhanh và lan tỏa.

Thủy triều lên được ví như hơi thở của đại dương. Hơi thở có hơi dài, hơi ngắn và có khoảng lặng giữa hai nhịp thở.

Hơi thở của những nhà sư ngồi thiền cũng thế. Khi máy ảnh đặt cách gương mặt nhà sư chưa đầy 1m, trong một không gian lặng như tờ có thể nghe thấy nhịp thở của từng người. Nó hệt như thủy triều lên xuống. Nó như tiếng vỗ cánh của con bướm nhỏ trong đêm để báo hiệu ngoài trời đêm kia, sóng đang dữ dội đánh vào bờ.

Bạn tôi bảo thở chậm là sống lâu. Có người luyện khí công tập thở giỏi đến mức trên máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn ông ta chỉ thở mười mấy hơi hệt như con rùa vậy. Sách dạy phàm người trần phần đông chỉ biết thở để tồn tại chứ chưa biết thở để thu năng lượng.

Ngày xưa, khi tôi hồi bé không ngủ được, bố tôi bảo hãy đếm thầm số trâu, bò để rồi mải thiếp đi lúc nào không hay. Giờ, lớn rồi thì đếm từng nhịp thở mà lắm đêm vẫn trằn trọc, bật TV chuyển hoài các kênh mà vẫn trằn trọc.

Khi thở người ta nghĩ gì?

Nhiều vị bảo hãy tập quán thiền trong từng hơi thở, từ đi, đứng đến nằm, ngồi. Để khi thở là không nghĩ gì hết, đầu trong veo như bỏ sâm Triều Tiên chính hiệu vào rượu Absolut của Nga mà uống.

Nhưng còn biển, khi thở, biển nghĩ gì?

Nhà sư ngồi kiết già trước biển kia đang thở hay biển đang thở trong ông.

“Giời ơi, sao tôi khổ thế này, làm cả ngày không kịp thở mà vẫn chưa hết việc”.

Bà hàng xóm tính nóng, mồm như con vịt tự nhiên gào lên.

Gợi ý dành cho bạn