MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc Bến Xuân. Ảnh: H.V.M

Sống dài hơn một đời

HOÀNG VĂN MINH LDO | 20/12/2018 06:21

Năm đó, khi Bến Xuân, một “cung phủ” của vợ chồng nghệ sĩ Camille Huyền xây dựng để lưu giữ và quảng bá văn hóa Huế với bạn bè ở thượng nguồn sông Hương sắp hoàn thành, Camille Huyền nhìn vào những cánh cửa gỗ ở phòng vẽ của mình và chợt thấy “nó trống vắng sao đó”.

Một ý nghĩ lóe lên, bà phác thảo ra giấy chân dung 3 người thầy âm nhạc của mình (hai người Nhật và một người Thụy Sỹ) bằng… thứ ngôn ngữ âm nhạc kiểu như mặt người gắn lên thân một cây đàn nhìn rất lạ và sinh động. Xong bà nhờ những người thợ điêu khắc gỗ tạc lên những cánh cửa “để mình có thể gặp họ hằng ngày”.

Ngày khánh thành Bến Xuân, bà mời bằng được 3 người thầy trong tranh về Huế và tự tay họ ký tên mình vào những bức tranh trên khung của bên cạnh chữ ký của tác giả Camille Huyền.

Tôi vẫn còn nhớ như in ánh mắt rưng rưng hạnh phúc cùng đôi tay run run của ông Walther Giger - nghệ sĩ Tây Ban cầm danh tiếng trong ban nhạc thính phòng cổ điển Orches Trio Zurich (Thụy Sĩ) khi ký tên vào tranh. Walther Giger bảo “ở đây, chúng tôi sẽ được sống lâu hơn cuộc đời của mình”.

Hơn 10 năm trước, tôi há hốc mồm khi lần đầu tiên nghe Camille Huyền hát nhạc Cung Tiến bởi những bản phối cùng tiếng đàn Tây Ban cầm quá đẹp, lạ cùng cách nhả chữ điêu luyện dù bà chỉ là một “tay mơ”.

Mãi sau đận ký tá mới biết, Walther Giger chính là người thầy âm nhạc đầu tiên của Camille Huyền và cũng chính là tác giả những bản phối về Cung Tiến được làm cầu kỳ tới mức “tôi hoà âm sao cho phù hợp với tính tình của cô học trò”.

Walther Giger luôn lắng nghe và nhìn Camille hát rồi muốn biết Camille nghĩ gì, thấy gì trong những ca khúc của Cung Tiến. Để rồi tiếng đàn và tiếng hát là cuộc đối thoại cùng vui cùng buồn cùng màu sắc, cùng nhịp đập, là tình cảm kín đáo của phương Đông và là sự cuồng nhiệt, phóng khoáng của phương Tây...

Walther Giger quá xứng đáng để sống dài hơn trên những khung cửa của Bến Xuân và trong tim Camille Huyền. Nhưng tôi vẫn thấy lo lo khi bất chợt nghĩ về những bức tranh khác - những bài báo của mình đã lỡ in thành sách về những nhân vật mình từng yêu quý và ngưỡng mộ bỗng một hôm họ bất ngờ thay đổi như sấp ngửa bàn tay…

Nhưng có vẻ như tôi lo thừa khi Camille Huyền bảo rằng: “Em à, yêu thương ai đó nghĩa là không hối tiếc…”.

Gợi ý dành cho bạn