MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tản mạn: Thời của hoang phí

Đỗ Phấn LDO | 04/07/2017 12:00
Thực ra không có thời đại nào đáng gọi là thời của hoang phí. Cần kiệm hay hoang phí vừa là một cặp phạm trù triết học nhưng cũng vừa là một chu trình xã hội quay vòng đổi chỗ cho nhau liên tục. Vì thế không ai xứng đáng được gọi là kẻ cần kiệm hay hoang phí. Và dù cho có tác động đến thế nào vào cái vòng tuần hoàn ấy thì nó vẫn độc lập diễn ra theo quy luật của riêng nó.
Những năm chiến tranh kéo dài sang thời kỳ bao cấp nghèo khổ, đức tính cần kiệm của người Việt được phát huy cao độ. Nhỏ li ti như hạt thóc nhặt ra khi vo gạo cũng không bao giờ bị bỏ phí. Vẫn có thể tích cóp lại cho gà ăn. Lớn hơn chút nữa là chiếc săm xe đạp thay ra cũng chưa thể vứt. Nó vẫn có thể dùng vài đoạn nối với nhau để sử dụng bình thường. Thay cái săm xe đạp nối vài đoạn ấy ra cũng chưa vứt đi được. Nó sẽ được cắt ra làm sợi dây chun buộc hàng.
Thời ấy sợi dây chun buộc hàng là vật dụng tối quan trọng. Bì gạo, cái chăn bông hay kể cả bó củi, mớ rau không có nó để buộc sau xe đạp thì đừng nghĩ đến việc đi mua sắm làm gì. Thực ra cũng không chỉ cái săm xe đạp. Những gia đình ở phố luôn có kèm theo cả một “bộ sưu tập” phụ tùng xe đạp trong nhà. Từ chiếc nan hoa gãy, vài chiếc má phanh mòn, sợi xích rão, chiếc đầu van và ốc vít đủ cỡ. Kèm theo nó là kìm, búa, cờ-lê, tuốc-nơ-vít và không thể thiếu cái bơm.
Thời cần kiệm ấy áo quần một màu xám xịt chẳng phải chỉ duy nhất bởi lý do phòng không sợ lộ mục tiêu. Bốn mét vải một năm có thể vá víu tạm đủ cho những người lao động nhẹ trong nhà. Với công nhân ngoài trời và những lao động tự do trên phố là áo thay vai, sơ mi lộn cổ, quần pic-kê đầu gối và hai mông. Phòng xa nữa thì cắt ống quay mặt trước ra sau may lại. Hầu như tất cả áo quần đều mang nhuộm lại ít nhất một lần. Và cùng bạc màu trở thành nét xám vây phủ phố phường. Nó chỉ khác cái giẻ lau nhà ở chỗ vẫn có người mặc ra đường.
Mâm cơm nhà cán bộ công nhân viên chức đạm bạc đến mức tối thiểu. Gần như chỉ tạm no. Rửa bát là công việc nhàn hạ nhất trong ngày. Không bao giờ có thức ăn thừa đổ đi kể cả chút nước mắm chấm rau còn sót lại trong đáy bát. Chiếc chiếu trong nhà được luân chuyển từ giường cụ ông cụ bà sang giường các con. Khi rách vá lại bằng vải cũ chuyển cho lũ cháu. Rách nữa, trải xuống đất cả nhà ngồi ăn cơm. Đã có cái mâm che chỗ rách đi rồi…
Thấm thoắt đã vài chục năm xa cái thời cần kiệm khốn khó. Nếu xét theo tiêu chí ăn, mặc, ở và phương tiện đi lại thì có thể gọi bây giờ là thời của hoang phí. Không hoang phí sao được khi tiền đổ xăng cho một chiếc ôtô hàng tháng có thể mua được vài xe đạp hạng trung bình. Chiếc xe máy từng có giá vài cây vàng ngày bao cấp bây giờ nếu mất cũng hiếm người đi báo công an. Bữa ăn ê hề thịt cá đến mức vài người phát chán quay lại chế độ ăn chay thanh tẩy cơ thể. Đồ ăn thừa thường được vứt bỏ ra thùng rác. Rất hiếm nhà còn lưu giữ thùng nước gạo đổi chổi từng thân thương cho đến hết thời bao cấp.
Áo quần thời hoang phí là nơi nhìn thấy rõ nhất người ta đã hoang phí như thế nào. Quần áo còn mới nguyên nhưng lỗi mode đã kịp lèn chặt vào bao tải chờ mang đi cho những đoàn từ thiện. Nhưng hình như chuyện ấy bây giờ cũng lỗi mode mất rồi. Nhiều nơi người ta không nhận quần áo chăn màn cũ nữa. Thay cho mỗi người một đôi giày, dép đi cả năm thời khốn khó là tủ giày bề thế trong mỗi gia đình. Phải đủ hết giày đi chơi, đi học, đi tán gái, đi mưa, chơi thể thao và thường là sang trọng vài ba đôi đi hội họp với các đối tác. Tủ quần áo trong nhiều gia đình bây giờ là hẳn một buồng riêng treo quần áo mấy tầng có thể đi lại bên trong lựa chọn màu sắc kiểu dáng cho từng sự kiện.
Không thể ngờ một nơi như Hà Nội đã từng bình bầu chia nhau khốn khổ căn hộ 9m2 thời bao cấp thì nơi ở bây giờ lại thừa thãi đến thế. Hà Nội là nơi cung lớn hơn cầu về chỗ ở đã nhiều năm rồi. Bằng chứng là người Hà Nội sáng nào mở điện thoại ra cũng gặp vài tin nhắn tiếp thị bán căn hộ cao cấp. Tất nhiên mong muốn của người ta buộc phải tỉ lệ thuận với túi tiền. Doanh nghiệp và nhà nước không hoang phí đến mức phát không căn hộ. Họ chỉ hoang phí khi được phép khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô độ. Một thứ hoang phí phi chủ thể bởi chẳng ai có quyền gìn giữ nó cho mình. Cứ hoang phí đi!
Những người già ở thành phố chợt giật mình ngẫm ngợi. Đời người chẳng bao lăm mà được trải nghiệm đến hơn một chu kì cần kiệm, hoang phí? Tục ngữ xưa “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” cũng bắt đầu trở thành hoang phí. Nó quá hoang phí về thời gian.
6-2017

Gợi ý dành cho bạn