MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tết à, Tết ơi!

hà văn LDO | 10/01/2018 06:30
Sau Tết tây có vẻ hình thức do chính quyền các đô thị lớn tổ chức, toàn dân Việt ta đều mong chờ đến Tết ta. Nói đơn giản là Tết của mình, chứ cứ như vừa qua, chúng tôi không dám dùng từ “lai căng” vì sợ lại bảo là không hội nhập. Nhưng có thể nói thẳng là một thứ Tết của lớp trẻ, đặc biệt là những bạn thích thể hiện mình...

Tết âm là của mỗi người, mỗi gia đình. Tết tụ họp quây quần già trẻ, Tết nhớ đến tổ tiên ông bà, quê hương, làng xóm. Không hiểu vài chục năm nữa Tết ta có phai nhạt màu truyền thống với lớp trẻ, còn thế hệ chúng tôi vẫn phải có đủ lệ bộ: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Bắn pháo hoa bằng súng cối rầm trời mà lại cấm mấy quả pháp tép đì đẹt trẻ con vui xuân, nghĩ cũng là cách hành xử chưa hay với dân. Bây giờ gần như cả nước đã ngói hóa, bêtông hóa, chẳng nên sợ Tết cháy nhà...

Lại có mốt mới Tết đi du lịch 5 châu 4 biển. Trong khi người Châu Âu - Mỹ ngày tết của họ đều quây quần, bỏ lò quay một con gà tây to hơn con ngỗng. Sau ta cứ phải “bỏ” quê mà đi xem tây ăn Tết nhỉ? Một số người quanh năm lô đề, tiền của đi sạch, tuy không đói nhưng tự mình nghèo hóa mình. Tết ta chơi tam cúc, không cần ăn tiền, anh nào thua bị đẹt mũi, vui tưng bừng lắm.

Ngồi xem tivi mấy ngày Tết tây có nhiều chương trình ca hát trẻ, đẹp, nhưng khó có thể nói là hay đến mức phải gào lên.

Ngày tết ở Hà Nội tôi thương nhất là các chị vệ sinh môi trường. Hàng chục vạn người vứt rác, bày bừa. Từ quá nửa đêm đến sáng có mấy chị quét, hót, lầm lũi. Có lẽ ở ta duy nhất có nhà thơ lớn Tố Hữu làm thơ: “Chị lao công như sắt, như đồng - Chị lao công đêm đông quét rác”. Bác Tố Hữu ơi, giờ báo cáo bác các chị vẫn như đồng, như sắt như ngày xưa. Em chỉ xin nói thêm các chị cũng có chồng, có con đợi trắng đêm mẹ về đấy...

Gợi ý dành cho bạn