MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một pha tranh chấp bóng trong trận đấu U23 Việt Nam - U23 Uzbekistan. Ảnh: M.T.

Tuyết và lửa

Huỳnh Dũng Nhân LDO | 27/01/2018 19:33
Sân bóng đá  trắng toát cứ như sân khúc côn cầu. Cầu thủ đội bạn mặc áo trắng cũng khó nhìn thấy trên cái sân đầy tuyết. May mà quả bóng màu cam và vạch vôi màu... xám. Áo đỏ màu lửa và trái tim nhiệt huyết có làm tan chảy được tuyết lạnh hay không?

Nói vui, nếu không phải đang ngồi trước màn hình xem trực tiếp bóng đá, đôi khi tôi tưởng đang xem cảnh ở... mặt trăng. Những người Việt Nam thích được một lần thấy tuyết, bỏ tiền đi du lịch các nước vào mùa đông hay lên Sapa để được thấy tuyết, nhưng hôm nay không một ai thích tuyết. Tuyết bay như trời cố tình thả bông trắng xuống sân thế này thì sao mà chạy mà đá.

Tôi đã từng xem những trận "thủy chiến" khi mặt sân ngập nước nhưng xem đá trên sân như mặt trăng thế này mới là lần đầu. Màu trắng và độ trơn của sân bóng có lẽ là một lý do khiến thủ môn Bùi Tiến Dũng để bóng bật tay. Nhưng người Việt chúng ta 4.000 năm nay đã luôn phải đối đầu với một thiên nhiên khắc nghiệt, dù rất nhiều đau thương nhưng chưa bao giờ chịu bị khuất phục. 

Đến giờ giải lao BTC phải cho người dọn tuyết để trả lại cái màu xanh nõn nà cho sân cỏ. Nhưng rồi tuyết lại phũ phàng che kín mặt sân...

Xem đến cảnh dọn tuyết, tôi lại chợt nhớ đến bài báo của cố nhà báo thể thao Tường Vy đăng trên báo Lao Động trước kia. Khi một nhóm thanh niên nông thôn rủ anh đi đá bóng. Anh hỏi "sân bóng đâu". Đám thanh niên chỉ ra cánh đồng ngập nước: "Sân bóng đây". Thì ra một lúc sau nước rút, sân bóng thiên nhiên lộ ra và mọi người chia hai đội lao vào cuộc chơi say mê như bất cứ các cầu thủ chuyên nghiệp nào.

Tuyết trắng khiến cầu thủ Uzbekistan được yêu cầu đổi áo thi đấu từ màu trắng sang màu xanh. Cũng lại là một điều hy hữu của bóng đá. Và trong bức tranh bóng đá chiều nay sặc sỡ màu trắng, xanh và đỏ ấy, tôi càng thêm yêu màu đỏ của lá cờ Việt Nam cùng màu áo đỏ của các cầu thủ cũng như hàng vạn fan hâm mộ vượt hàng ngàn km mang đến trận đấu này.

Nhưng rồi tôi lại lo. Liệu tuyết ngừng rơi và sân cỏ trở nên khô ráo hơn thì lợi thế lại sẽ rơi vào đội bạn, bởi họ hơn hẳn ta về thể lực và kỹ thuật. Và đến cuối hiệp 2 điều lo ngại ấy đã đúng. Đội Uzbekistan chơi ép sân, chuyền bóng bật tường ô vuông huyền bí rất khó chịu. Rồi lại phải nhồi thêm 2 hiệp phụ. 

Vấn đề thể lực mùa giải này của U23 đã rất đáng khâm phục, song có là Hercules đâu mà cả ba trận liền đều phải đại chiến hiệp phụ và sút luân lưu. Hiệp phụ bắt đầu là lúc nhiều người đã mang cờ đỏ sao vàng xuống đường. Đúng như nhiều người nhận định, U23 giành được huy chương bạc đã là thắng lợi, là kỳ tích, là vô địch trong lòng người hâm mộ rồi.

Chỉ ngồi xem tivi thôi mà cũng thấy đuối, phần vì căng thẳng hồi hộp, phần vì sự khát khao vô địch chưa bao giờ lại gần tầm tay chúng ta đến vậy. Song một gắng sức cuối cùng cũng cạn kiệt. Một gang tay cự ly về đến đích lại lùi xa. Nhưng không nuối tiếc và không tự trách mình.

Nỗi buồn trong niềm tự hào cũng có vị dịu ngọt của nó. Thậm chí còn rất tự hào vì chúng ta đã có một mùa thi đấu đẳng cấp nhất từ trước tới nay. Một huy chương bạc U23 Châu Á là điều chúng ta chưa từng mơ tới. Nhưng có lẽ cái ta thu về quan trọng nhất là ý chí Việt Nam, tinh thần Việt Nam được hun đúc và gắn kết mọi người Việt Nam chúng ta thành một sức mạnh đầy yêu thương tự hào.

Khép lại những cảm nhận này, trong lòng tôi bỗng ngân lên câu hát: 

"Dù cho mây hay cho bão tố 
Có kéo qua đây
Dù có gió có gió lạnh đầy
Có tuyết bùn lầy có lá buồn gầy
Dù sao dù sao đi nữa tôi cũng yêu em...".

Và có lẽ đây không phải là " niệm khúc cuối" như tên bài hát mà là cái mốc để chúng ta có quyền mơ tới nhiều điều xa hơn, cao đẹp hơn...

Gợi ý dành cho bạn