MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vân vi quà tặng

Đỗ Phấn LDO | 06/08/2017 17:43
Người Việt tặng quà cho nhau chắc cũng có lịch sử lâu dài như nhân loại từ thời nguyên thuỷ. Đại khái trong bộ lạc thì khi săn bắt hái lượm được thức ăn ngon thường sẽ mang tặng người mà mình yêu quí kính trọng. Quà cáp lúc này mang tính chia sẻ nhiều hơn là giá trị vật chất bởi những món quà thiên nhiên ban tặng đều ngẫu nhiên mà có được chỉ với đơn thuần giá trị lao động quá khứ.

Suốt mấy nghìn năm chế độ phong kiến kể cả 1.000 năm Bắc thuộc, quà tặng được hiểu theo nghĩa cống nạp bắt buộc. Làng xã cống nạp phủ huyện, phủ huyện cống nạp tỉnh, tỉnh cống nạp triều đình, triều đình cống nạp thiên triều. Người tặng quà là người mang cống nạp phẩm vật nhiều khi không phải của mình. Và cũng nhiều khi không phải vì lợi ích của riêng mình mà là của cả cộng đồng hành chính mình cai quản. Vậy là hầu như ai cũng có nghĩa vụ quà cáp với bề trên kể cả đến tận cùng dân đen như anh Pha, chị Dậu.

Xã hội tiến bộ dần lên, của cải nhiều hơn mới có khái niệm quà tặng đơn thuần chỉ vì tình cảm. Quà tặng tình cảm thường có qua có lại mà không bao giờ diễn biến một chiều chỉ cho không nhận hoặc ngược lại. Đại khái như hôm nay bưng sang biếu hàng xóm bát canh cua rau rút thì thể nào cũng có hôm bên ấy mang sang biếu bát cà pháo muối chua. Nếu không như thế ta sẽ quay lại thời kỳ cống nạp chỉ cho không nhận hoặc chỉ nhận không cho.

Thế nhưng ranh giới cho và nhận nhiều khi rất khó phân biệt cụ thể bởi những thứ cho và nhận đôi khi cũng rất trừu tượng mà không phải là vật chất cụ thể. Mình mang tiền vài trăm triệu đến biếu giám đốc để ông ấy nhận con mình vào làm việc chẳng hạn. Tiền là vật chất cụ thể. Con mình có được nhận hay không là rất mơ hồ. Dù có được nhận cũng chưa phải là tiền. Nó còn phải nai lưng ra làm việc quần quật may ra mới có tiền. Người ta đã không gọi những khoản tiền như thế là quà tặng từ rất lâu rồi. Nó được hiểu như một khoản đầu tư không kém phần mạo hiểm.

Xét một cách hàm hồ và nông nổi thì các đại gia chủ doanh nghiệp tư nhân bây giờ chính là những người hầu như chỉ vác tiền đi cho. Trông đường bệ nhà cao xe đẹp thế nhưng thường xuyên phải chi tiền vào những việc tưởng như rất giời ơi đất hỡi. Nhẹ nhất thì là tiền từ thiện, bão lụt hàng năm. Tiền góp cho phường cho quận tổ chức nghỉ mát hàng năm. Lớn hơn là tiền để tiếp vài chục đoàn thanh tra năm nào cũng thế. Lớn nữa là tiền nộp để dự đấu thầu một công việc nào đó mang lại lợi nhuận cho mình mà không phải lúc nào cũng thắng. Cực lớn là khi đã thông đồng bén giọt làm ăn phát đạt thì phải có tiền cảm ơn những nơi đã tạo điều kiện cho mình. Quà tặng lúc này có khi là vài căn biệt thự, vài chiếc ôtô, vài hecta đất chứ chả chơi vân vân và vân vân... Ngay cả quà tặng đơn thuần tình cảm của các đại gia cho những chân dài cũng là cả một núi tiền. Chỉ để nhận lại một thứ không bao giờ dám khoe khoang. Vài đại gia đã phá sản trên con đường chinh phục người đẹp. Có người đã vác nhau ra toà chỉ để đòi quà. Phần lớn thất bại. Chỉ còn cách bỏ tiền ra mua cái thang để bắc lên giời. Vài bác khánh kiệt trở lại thành người bình thường và làm thơ thế sự. Người đời từ đó mới biết làm đại gia vất vả đớn đau đến như thế nào.

Đám văn nghệ sĩ nửa mùa Hà Nội thường yêu quí tặng nhau những món quà rất lạ. Tặng đấy mà cũng không hẳn là tặng. Đại loại có vài chai rượu ngon mới đi nước ngoài về rủ bạn ra quán làm một chầu tới bến. Chẳng đủ tiền để tặng mỗi người một chai thì đó là cách hay nhất để thể hiện tấm lòng. Cũng có lúc là tặng nhau những tác phẩm do chính mình sáng tác. Thực ra chỉ có bức tranh, bức tượng, đồ vật chế tác thủ công... là đúng nghĩa quà tặng. Tặng nhau một cuốn sách, một bài thơ dù đề rõ tên tuổi người được tặng thì bản quyền vẫn là của mình. Phần mang tặng chỉ là cử chỉ thân ái nhất thời mà thôi. Thế cho nên vài nhà thơ lớn tuổi đãng trí thường hay tặng bạn gái vài bài thơ mà những bạn gái trước đã thuộc lòng. Chẳng ai dám trách vì bản quyền vẫn thuộc về ông ấy. Rất may đàn bà luôn giữ kín tâm sự bởi họ cũng biết nếu hở ra thì mình không chắc đã là chủ nhân duy nhất của bài thơ có tầm “nhân loại” như thế.

Và không chỉ đàn bà, nhiều đàn ông huênh hoang cũng thường vỗ ngực tự hào rằng đã từng được ông ấy ông nọ tặng sách. Lại còn hào sảng dẫn ra bằng chứng là lời đề tặng ngay trên trang 3 có chữ ký đàng hoàng. Thật mà vẫn không thật. Cho nên ngay cả nhạc sĩ tài năng có hạng như Phạm Duy vẫn phải thật thà ao ước “...Tôi mơ thành triệu phú/ Cứu vớt gái bơ vơ...” sau khi đã sáng tác hàng nghìn bản tình ca cho đủ các hạng đàn bà. Ông biết đó vẫn chỉ là những “quà tặng phi vật thể” không có nhiều giá trị lắm với toàn bộ đàn bà trên đời.

Vẫn có những món quà tặng ý nghĩa rất lâu bền mà chẳng tốn kém gì. Ấy là một hôm ông cụ Hà Nội ngót nghét 70 tìm thấy cuốn sổ lưu bút học trò từ năm 1968 có ghi hàng chữ nắn nót “Chúc cho tình bạn mãi mãi tươi xanh như chiếc lá này”. Bên dưới là hình lờ mờ chiếc lá ố vàng còn in trên trang giấy mủn. Nhìn chữ ký không thể nào nhớ ra ai nữa...

8-2017

Gợi ý dành cho bạn