MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Novak Djokovic đã trải qua tuổi thơ với những ám ảnh từ 2 cuộc chiến tranh. Ảnh: Tennis USA

Ký ức về chiến tranh vẫn ảnh hưởng tới Djokovic cho đến giờ

TAM NGUYÊN LDO | 30/01/2024 15:09

Novak Djokovic được rèn luyện về tinh thần trong chiến tranh, nhưng anh vẫn bị tổn thương cho đến bây giờ.

Novak Djokovic thừa nhận tuổi thơ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh vẫn tác động đến anh theo nhiều cách. Tay vợt người Serbia tiết lộ, ngay cả việc nghe thấy tiếng pháo hoa hiện tại cũng khiến anh nhớ lại những tổn thương mà chiến tranh để lại.

Djokovic, sinh năm 1987 tại Belgrade, đã chứng kiến và trải qua chiến tranh khi còn nhỏ. Anh sinh ra chỉ 3 năm trước khi bắt đầu cuộc chiến Nam Tư (cũ). Nhưng một trong những trải nghiệm đau thương nhất của Djokovic phải đến năm 1999, khi NATO ném bom Belgrade trong 11 tuần, từ tháng 3 đến tháng 6.1999.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Djokovic đã nhiều lần nói về những khó khăn và thách thức mà anh phải trải qua trong khoảng thời gian đó. Nhưng anh lấy việc NATO ném bom Belgrade thành động lực và thúc đẩy anh một ngày nào đó làm được những điều tuyệt vời cho Serbia trên đấu trường thế giới.

Trong cuộc trò chuyện với Karl Stefanovic trên Today Show, Djokovic đã kể lại: “Chúng tôi đã trải qua 2 cuộc chiến… trong 4 năm từ 1992 đến 1996, không vận động viên Serbia nào có thể ra nước ngoài thi đấu.

Đó là khoảng thời gian đầy thử thách. Nó chỉ giúp bạn rèn luyện. Lẽ ra mọi chuyện có thể đi theo một con đường khác, nhưng tôi tin rằng việc tôi chơi quần vợt và có thể đạt được những điều tuyệt vời này cũng là định mệnh".

Tổn thương cho đến ngày nay

Trong một số cuộc phỏng vấn trước đây, Djokovic nói rằng mọi khó khăn đã chống lại anh ngay từ đầu, vì anh mới bước những bước đi đầu tiên vào thế giới quần vợt khi Serbia đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn.

Nhưng Djokovic đã vượt qua mọi trở ngại để ngày nay được khẳng định là một trong những tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử quần vợt.

Djokovic nổi tiếng với sức mạnh tinh thần. Khi được hỏi liệu việc vượt qua vụ đánh bom ở Belgrade có giúp anh rèn luyện được sức mạnh tinh thần mạnh mẽ như vậy hay không, Djokovic nói rằng, điều đó có thể đúng ở một mức độ nào đó.

“Tôi không biết ở mức độ nào, nhưng chắc chắn có mối liên hệ nào đó với quá trình trưởng thành của tôi. Tôi 12 tuổi khi sự việc xảy ra không ngừng trong 2 tháng rưỡi, cả ngày lẫn đêm", Djokovic nói.

“Đôi khi nghe thấy pháo hoa, tôi thực sự nhớ đến tiếng bom nổ, lựu đạn và những thứ tương tự. Nó không hề dễ chịu chút nào, tôi vẫn còn một chút tổn thương”.

Gia đình luôn cùng đi với Djokovic ở bất kỳ đâu có thể. Ảnh: Tennis USA

Khó để bỏ lại gia đình phía sau

Ở Australian Open năm nay, Djokovic không có vợ Jelena và 2 con cùng đi. Nhưng đó không phải là điều ngạc nhiên vì Jelena đã không cùng Djokovic đến Australia trong hơn 1 thập kỷ nay.

Lần cuối cùng họ đồng hành tại Australian Open là năm 2012, khi anh đánh bại Rafael Nadal sau trận đấu kéo dài 6 giờ đồng hồ. Năm sau, Djokovic và Jelena kết hôn.

Vì Australia là một chuyến đi dài và đặt ra những thách thức nhất định nên gia đình Djokovic từ lâu đã quyết định rằng, điều tốt nhất cho tay vợt số 1 thế giới là sang Australia mà không có vợ con.

Mặc dù Djokovic hiện đã thích nghi tốt với việc gia đình không cùng đến Australia, nhưng điều đó không có nghĩa là anh có thể dễ dàng đến quốc gia này hoặc bất cứ nơi nào khác mà không có người thân.

Djokovic, người sẽ bước sang tuổi 37 vào tháng 5, thừa nhận anh đã bỏ lỡ một số cột mốc quan trọng của gia đình khi thi đấu tại Tour.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn