MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Văn Khoa kể về hành trình khai phá và chinh phục thị trường quốc tế của tập đoàn FPT. Ảnh: Trần Tuấn

Công nghệ số Make in Vietnam - niềm tin làm được điều phi thường

Trần Tuấn LDO | 21/01/2023 06:07

Không chỉ dừng lại ở gia công phần mềm, nhiều doanh nghiệp công nghệ số đã dấn thân, tạo ra các sản phẩm, giải pháp Make in Vietnam chinh phục thị trường toàn cầu. Theo thống kê, hiện có hơn 1.400 sản phẩm Make in Vietnam có mặt tại nhiều nước trên thế giới, tạo ra doanh thu xuất khẩu của ngành công nghệ số năm 2022 đạt 136 tỉ USD...

Trái ngọt sau nhiều thất bại

Là một trong những "cánh chim đầu đàn" của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nhưng con đường chinh phục thị trường nước ngoài của tập đoàn FPT không trải hoa hồng, thậm chí đã có lúc tưởng chừng phải dừng lại.

Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa nhớ lại, năm 1999, tập đoàn này mở liên tiếp hai văn phòng ở Mỹ và Ấn Độ, nhưng đều thất bại. Đơn vị này đã tiêu tốn hàng triệu USD trong hai năm mà không có được hợp đồng nào từ hai thị trường trên. Các văn phòng lần lượt đóng cửa, toàn bộ nhân sự phải rút về nước. Đã có lúc những người đứng đầu FPT nghĩ đến việc giải tán trung tâm xuất khẩu phần mềm.

Năm 2000, tập đoàn FPT tiếp tục thử sức ở thị trường Nhật Bản. Nhưng cũng không có khởi đầu thuận lợi. “Các khách hàng đều từ chối khéo vì chúng tôi không có nhân sự biết tiếng Nhật", ông Khoa kể.

May mắn sau đó, đội ngũ FPT được một chuyên gia Nhật Bản giới thiệu cho các doanh nghiệp lớn tại thị trường này. Để có thể kết nối với đối tác, hầu hết các lãnh đạo FPT phải đi học tiếng Nhật. Từ đó, FPT có hợp đồng đầu tiên vào 2005 và không ngừng phát triển. Bên cạnh đó, mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam và Nhật Bản ngày càng khăng khít đã giúp các doanh nghiệp Việt tiến xa hơn.

Hiện, Nhật Bản là thị trường nước ngoài lớn nhất của FPT, với khoảng 10.000 nhân sự đến từ 16 nước khác nhau.

Ông Khoa cho biết thêm, trong 5 năm trở lại đây, thay vì chỉ gia công phần mềm, đơn vị này đã chuyển dịch sang làm tư vấn, thiết kế, phát triển các dự án chuyển đổi số tầm cỡ, các giải pháp Make in Vietnam, với các khách hàng là nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới, ở khắp các châu lục.

Theo ông Khoa, những kinh nghiệm và năng lực tích lũy từ việc triển khai các dự án lớn, dự án công nghệ mới tại nước ngoài đã giúp FPT trưởng thành về nguồn lực, đảm nhận những dự án quan trọng của quốc gia, có độ phức tạp cao. Như dự án xử lý lỗi và nâng cấp hệ thống Sàn giao dịch chứng khoán TPHCM, Hệ thống quản lý thuế TMS; hệ thống vé tàu điện tử; quản lý tổng thể bệnh viện FPT.eHospital; đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Cũng là một doanh nghiệp công nghệ số chinh phục thành công thị trường nước ngoài, ông Hoàng Tuấn Hải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ VMO cho biết, khi thành lập cách đây 10 năm, công ty này đã định vị là công ty toàn cầu và xác định cho mình một thị trường ngách là các công ty startup tại Mỹ.

Để thuyết phục khách hàng nước ngoài chọn nhà cung cấp Việt Nam, ông Hải cho biết, VMO đã phải giải thích, vận động để họ hiểu nước ta có nền kinh tế chính trị, ổn định, nhà nước quan tâm đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Doanh nghiệp này cũng xác định không chỉ là nhà cung cấp dịch vụ đơn thuần mà là người đồng hành với đối tác, ngay cả khi đối tác gặp thất bại.

Sau 10 năm, hiện VMO có 1.200 nhân sự công nghệ phục vụ 500 khách hàng ở 30 vùng, lãnh thổ. Công ty này có văn phòng chi nhánh ở Mỹ, Nhật, Singapore, Thái Lan.

Thị trường rộng lớn, doanh nghiệp Việt cần làm gì để khai thác?

Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2022 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Joseph Saib - Tổng Giám đốc Công ty Tel.red (Mỹ), một chuyên gia công nghệ có 20 năm kinh nghiệm làm việc tại thung lũng Silicon cho biết, tổng đầu tư cho chuyển đổi số trên toàn cầu được dự đoán sẽ tăng lên 7.000 tỉ USD trong năm 2023.

Tổng Giám đốc Công ty Tel.red khẳng định, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về công nghệ số và không nên bỏ lỡ cơ hội này. Vị chuyên gia gợi ý, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam muốn thành công khi ra thị trường nước ngoài thì cần giải các bài toán tại địa phương. Điều này giúp họ nhanh chóng nắm bắt được xu hướng thị trường và thích ứng với các yêu cầu mới.

“Bên cạnh đó, nguồn nhân lực là rất quan trọng đối với mọi tổ chức. Mỗi nhân viên phải có năng lực chuyên môn, có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ và nhạy bén với những thay đổi. Sự hỗ trợ từ các chiến lược và chính sách của Chính phủ cũng rất quan trọng", chuyên gia Joseph Saib đề xuất và nói thêm, Ấn Độ có thể là một bài học cho Việt Nam khi họ cũng từng mạnh về việc gia công phần mềm, trước khi có sự tích lũy và vươn lên thay đổi thứ hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam cần nắm bắt cơ hội bằng việc có cách tiếp cận đúng đắn và chiến lược chuyển đổi số phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tiếp tục khai phá thị trường trong nước, đổi mới cách làm, lấy thị trường trong nước làm bàn đạp ra nước ngoài.

Khi khai phá thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần hình thành động ngũ đông đảo và cần có các doanh nghiệp lớn dẫn dắt.

“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét thay đổi thể chế để phù hợp, đồng hành, giúp các doanh nghiệp số tiếp tục phát triển”, Thứ trưởng nói thêm.

Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết, FPT với vai trò tập đoàn tiên phong công nghệ thông tin, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, trở thành người đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam tại cả thị trường trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn