MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những video âm nhạc giả giọng ca sĩ do AI tạo ra. Ảnh chụp màn hình

Hệ lụy đằng sau việc nghệ sĩ bị giả giọng bằng công nghệ AI

Khánh An LDO | 05/03/2024 07:01

Công nghệ bắt chước giọng nói bằng AI (trí tuệ nhân tạo) bắt đầu nổi lên trong thời gian gần đây, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, công việc của giới nghệ sĩ và gây lo ngại có thể bị lợi dụng cho mục đích xấu như lừa đảo, tống tiền.

Nghệ sĩ cải lương hát nhạc Thái, đọc rap

Tháng 2.2024, NSND Lệ Thủy lên tiếng trước thông tin bà không tiếp tục hát cải lương mà chuyển sang hát nhạc Hàn Quốc, nhạc Thái Lan và đọc rap. Theo nghệ sĩ cải lương Lệ Thuỷ, có nhiều tài khoản TikTok sử dụng công nghệ AI chỉnh giọng khiến nhiều người nhầm tưởng bà hát các bài nhạc nước ngoài, đọc rap.

NSND đã phát hiện các video với tiêu đề “Lệ Thủy hát Ngược dòng thời gian để yêu anh” (nhạc phim Thái), “Lệ Thủy hát Kill this love” (bài hát của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink).

Ngoài ra, người sản xuất video còn cố tình sử dụng giọng nói thật của nghệ sĩ và chèn vào các đoạn clip để tạo cảm giác chân thật. Những video này thu hút tới hàng trăm nghìn lượt xem và hàng nghìn lượt bình luận.

Theo nghệ sĩ cải lương, các video có lối chỉnh ghép tinh vi, sử dụng thêm các câu nói của bà trong cuốn băng Hồi ký Lệ Thủy để tạo nên một bài hát hoàn chỉnh.

“Nhiều khán giả lớn tuổi không giỏi công nghệ như tôi, họ nghe thoáng qua tưởng rằng Lệ Thủy thay đổi dòng nhạc. Họ không hiểu nên rất hoang mang và bị sốc. Vì trước giờ tôi chỉ hát cải lương và được mọi người yêu thương cũng do hát cải lương. Hôm nay tôi xin được đính chính rằng những bài hát nhạc trẻ, nhạc rap, nhạc Hàn Quốc... là sản phẩm của công nghệ AI, không phải giọng hát thật của Lệ Thủy” - nghệ sĩ cải lương chia sẻ.

Con trai nghệ sĩ cải lương Lệ Thủy - ca sĩ Dương Đình Trí cho biết thêm, ban đầu họ không có ý định lên tiếng vì nghĩ đây là “trò chơi giải trí”. Tuy nhiên, do độ lan truyền của các đoạn video cắt ghép ngày càng nhiều, khiến một số khán giả lớn tuổi hiểu lầm, gây nhiễu loạn thông tin về NSND Lệ Thủy, buộc lòng bà phải đính chính.

Ca sĩ Dương Đình Trí cũng cho biết, đang tìm hiểu thêm sự việc trước khi đề nghị cơ quan quản lý can thiệp. Theo anh, nếu phát hiện có đội ngũ đứng sau, cố tình sử dụng giọng hát và hình ảnh nghệ sĩ để câu tương tác, gây hiểu lầm, anh sẽ nhờ đến pháp luật.

Hệ lụy từ công nghệ giả giọng

Làn sóng “AI cover” cũng bắt đầu rộ lên trong thời gian gần đây. Theo đó, người dùng sẽ sử dụng AI để tạo ra bản thu các nghệ sĩ hát lại bài hát “hit” của nhau.

Có thể lấy ví dụ như video ca sĩ Jungkook - BTS hát Đưa em về nhà (của GREY D - Chillies), ca sĩ Sơn Tùng M-TP hát À Lôi (của Double2T và Masew), ca sĩ Đen Vâu hát Sóng gió (của Jack - K-ICM), ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh hát Thuỷ triều (của Quang Hùng MasterD). Tất cả các video này đều do AI tạo ra.

Việc người dùng có thể dễ dàng dùng giọng một người để cắt ghép vào, tạo thành bài hát của một người khác khiến giới chuyên gia lo ngại công nghệ này có thể bị lợi dụng cho mục đích xấu như lừa đảo, tống tiền.

Theo ông Tạ Công Sơn - chuyên gia AI của Chongluadao.vn, hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào được công nhận rộng rãi và chính thức để phát hiện một cách hiệu quả file âm thanh, giọng nói giả mạo được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo. Điều này tương tự như việc phát hiện văn bản được sinh ra bởi AI, không có bất kỳ sự đảm bảo nào về độ chính xác của các phương pháp đó.

Một số biện pháp phòng tránh có thể áp dụng bao gồm việc chỉ nên tin tưởng vào các nguồn thông tin có uy tín, chính chủ. Nếu có bất kỳ sự nghi ngờ nào, người dân cần tiến hành xác minh thông tin qua nhiều nguồn khác nhau.

Đồng thời, cần giữ một tâm thế tỉnh táo trước những nội dung có vẻ như chỉ nhằm mục đích thu hút sự chú ý, câu like, câu view...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn