MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự tham gia của trí tuệ nhân tạo sẽ giúp ích rất nhiều cho việc livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2024. Ảnh: Ngọc Lê

Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

Nguyễn Đăng - Đức Mạnh LDO | 29/12/2023 10:16

Năm 2023 chứng kiến làn sóng từ các cá nhân, hộ kinh doanh đến người nổi tiếng tham gia bán hàng trực tuyến. Đây là một trong nhiều minh chứng cho sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam khi đạt tới quy mô ấn tượng 20,5 tỉ USD. Động lực này giúp nền kinh tế số nước ta có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm qua.

Thương mại điện tử Việt Nam đã bước lên tầm cao mới

Làm KOC (PV - người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường) chuyên về các sản phẩm điện tử nhiều năm nay, anh Nguyễn Duy Kha (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) quyết định chuyển hướng sang bán hàng online trên sàn thương mại điện tử. Tận dụng lợi thế của công việc thường xuyên đăng tải các video trải nghiệm sản phẩm - cũng là xu hướng mua sắm chính hiện nay, anh đã "bỏ túi" lên tới hơn 300 triệu đồng lợi nhuận trong năm qua.

"Tôi mới lấn sang mảng bán hàng trên sàn được 1 năm nay, chủ yếu tận dụng tệp người xem trung thành mình có suốt nhiều năm làm KOC. Kiếm tiền từ bán hàng online hiện hỗ trợ tôi thêm khoảng hơn 30% bên cạnh thu nhập cố định. Để tối ưu, tôi liên kết với một bên nữa để họ lo về kho bãi, đóng gói và giao hàng. Làm như vậy thì lợi nhuận có ít hơn chút nhưng tối ưu thời gian hơn vì tôi cũng muốn tập trung vào công việc review, nhận quảng cáo, tạo thương hiệu của mình" - anh Kha chia sẻ với phóng viên.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - cho biết, lý do chính là người dân có nhiều thời gian trực tuyến hơn, quan tâm nhiều hơn đến việc mua, bán hàng trên các ứng dụng online. Đà phát triển này diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, không chỉ riêng Hà Nội hay TPHCM.

“Trong năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của TikTok và làm cho các sàn khác thay đổi theo, bán hàng qua livestream cũng phát triển hơn, giúp ích rất nhiều cho cộng đồng, đưa thương mại điện tử Việt Nam lên tầm cao mới” - ông Dũng cho biết.

Bà Lê Minh Trang - đại diện Nielsen Việt Nam - đánh giá: "Các nhà sản xuất tại Việt Nam đều đang có xu hướng thích nghi với bán hàng đa kênh".

Theo số liệu được Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt con số ấn tượng 20,5 tỉ USD trong năm 2023, tăng khoảng 4 tỉ USD, tương đương 25% so với năm 2022.

Báo cáo trước đó của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2023, với động lực chính từ thương mại điện tử.

Đi theo đà tăng trưởng của thương mại điện tử là sự phát triển quy mô của những sàn giao dịch. Các chuyên gia dữ liệu từ Metric chỉ ra doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 của 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam (Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki, Sendo) đã đạt 163.000 tỉ đồng, cao hơn cả năm 2022 khoảng 10.000 tỉ đồng, tương đương 7%. Trong đó, Tiktok Shop mang về 25.000 tỉ đồng.

Nếu chỉ tính trên doanh thu 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo (Tikok Shop ra mắt vào cuối tháng 4.2022), tỉ lệ tăng trưởng so với cùng kỳ là 33%.

Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi thương mại điện tử trong năm 2024

Nhìn sang năm 2024, bức tranh thương mại điện tử Việt Nam được dự báo sẽ có thêm nhiều chuyển biến với điểm nổi bật là xu hướng sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong việc livestream (phát trực tiếp) để bán hàng.

“AI có khả năng livestream 24/24h và được ứng dụng ngày càng sâu rộng tại Việt Nam, theo xu hướng chung của thế giới” - ông Nguyễn Ngọc Dũng nhấn mạnh.

Ông Thái Dương - chuyên gia marketing của Aeyes Việt Nam - dự báo 2 xu hướng phát triển mạnh của thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2024 là Shoppertainment và AI Livestream. Trong đó, Shoppertainment là một thuật ngữ được tạo ra bằng việc kết hợp giữa hai từ “shopping” (mua sắm) và “entertainment” (giải trí).

Trong đó, các nhà bán lẻ và thương hiệu, kết hợp việc phát sóng bán hàng trực tiếp với các trò chơi và hoạt động tương tác trong cửa hàng, sử dụng công nghệ mới như thực tế ảo VR, thực tế tăng cường AR, video 360… để mang lại trải nghiệm mua sắm độc đáo cho khách hàng.

Bên cạnh đó, ông Thái Dương cũng cho rằng, người ảo AI thay thế người thật phát livestream là một lợi thế cạnh tranh quan trọng trong tương lai...

Sự hiệu quả của xu hướng này đã được chứng minh tại sự kiện "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TPHCM 2023 - Chợ di sản Bến Thành" diễn ra hôm 17.12 vừa qua. Sau 18 tiếng livestream, người ảo AI đã giúp các tiểu thương chốt hơn 900 đơn hàng, khoảng 600 người mua và thu về doanh số hơn 150 triệu đồng.

AI góp phần tăng khả năng thu hút khách hàng, tiết kiệm chi phí

Theo ông Chemi Katz - CEO nền tảng chuyển đổi số Namogoo, các giải pháp thương mại điện tử được hỗ trợ bởi AI dự kiến ​​sẽ hình thành một thị trường trị giá 16,8 tỉ USD vào năm 2030. Chúng sẽ thay đổi vĩnh viễn bối cảnh đại lý bán hàng vào năm 2024.

Theo đó, công nghệ dự đoán có thể cho phép các nhà bán lẻ biết trước hành vi của khách hàng, từ đó quản lý tốt hơn gian hàng của mình và đưa ra các khuyến mãi, đề xuất phù hợp hơn với từng cá nhân. Đồng thời, hoạt động cá nhân hoá đa kênh sẽ được AI hỗ trợ góp phần tăng tỉ lệ giữ chân khách hàng và doanh thu lên tới 15%, tiết kiệm 30% chi phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn