MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Meta, công ty mẹ của Facebook cho biết sẽ kiên trì với chiến lược phát triển AI của mình. Ảnh: Chụp màn hình

Meta - công ty mẹ Facebook tuyên bố kiên trì theo đuổi AI

NGUYỄN ĐĂNG (THEO REUTERS) LDO | 07/03/2023 12:00

Meta Platforms cho biết họ sẽ tiếp tục phát hành các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) của mình, bất chấp những thông tin cho rằng mô hình ngôn ngữ mới nhất của họ đã bị rò rỉ cho một số người dùng trái phép.

“Mặc dù mô hình ngôn ngữ không thể truy cập được đối với tất cả mọi người và một số người đã cố gắng phá vỡ quy trình phê duyệt, nhưng chúng tôi tin rằng chiến lược phát hành hiện tại cho phép chúng tôi cân bằng giữa trách nhiệm và sự cởi mở”, Reuters trích dẫn những tuyên bố từ Meta.

Tháng trước, Meta – công ty mẹ của Facebook đã phát hành mô hình ngôn ngữ mới LLaMA cho các nhà nghiên cứu thuộc bộ phận AI của mình. Theo tuyên bố của họ, mô hình này có 65 tỉ tham số, ít hơn ChatGPT, nhưng được huấn luyện đến 1.400 tỉ từ, gấp 5 lần so với mô hình của OpenAI.

Không giống như một số đối thủ như OpenAI, công ty luôn kiểm soát chặt chẽ công nghệ của mình và tính phí các nhà phát triển phần mềm truy cập vào nó, bộ phận nghiên cứu AI của Meta chia sẻ hầu hết công việc của mình một cách công khai. Nhưng các công cụ AI cũng tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng, chẳng hạn như tạo và lan truyền thông tin sai lệch.

Để tránh những kiểu lạm dụng đó, Meta cung cấp các công cụ của mình cho các nhà nghiên cứu và các tổ chức khác có liên kết với chính phủ, xã hội dân sự và học viện theo giấy phép phi thương mại sau quá trình kiểm tra.

Trong tuyên bố của mình, Meta cho biết việc phát hành LLaMA của họ được xử lý giống như các mô hình trước đó và họ không có kế hoạch thay đổi chiến lược của mình. Họ cho biết: “Mục tiêu của Meta là chia sẻ các mô hình AI tiên tiến nhất với các thành viên của cộng đồng nghiên cứu để giúp chúng tôi đánh giá và cải thiện các mô hình đó”.

Những tuyên bố của Meta cho thấy họ quyết tâm theo đuổi siêu AI, để cạnh tranh cùng những đối thủ nặng ký khác như ChatGPT của OpenAI, Bing của Microsoft hay Bard của Google.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn